Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 12:36

Thứ hai, 06/05/2024 | 12:36

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:38 ngày 09/03/2021

Viện Nghiên cứu Da Giầy gắn nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Viện Nghiên cứu Da – Giầy là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công Thương. Trong những năm qua, với định hướng gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Viện đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu KHCN và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất giầy, dép, túi xách hàng đầu thế giới. Các sản phẩm giày dép của Việt Nam đã có mặt tại rất nhiều nước trên khắp các châu lục. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách Việt Nam (hơn 1.700 doanh nghiệp), có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Hiện nay, nguyên vật liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu và đa phần là chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Từ thực trạng đó, phát huy vai trò là đơn vị hàng đầu nghiên cứu phát triển công nghệ da - giày, Viện nghiên cứu Da giày đã nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu khoa học; gắn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với yêu cầu thực tế của sản xuất, tăng cường ứng dụng chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Các kết quả nghiên cứu của Viện được quốc tế công nhận và đánh giá có chất lượng cao. Các công nghệ do Viện phát triển được áp dụng vào sản xuất tại Viện đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận…
Công nghệ thuộc da
Viện Nghiên cứu Da – Giầy đã có nhiều nghiên cứu về công nghệ thuộc cho các loại da khác nhau, các loại hình thuộc, thay thế hóa chất trong quá trình thuộc và các đối tượng khách hàng khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định được công nghệ, một số sản phẩm được thị trường chấp nhận.
Viện Nghiên cứu Da Giày nghiên cứu phát triển các công nghệ thuộc da.
Ứng dụng công nghệ thông tin 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, kiểm soát quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm có thể kể đến như:Ứng dụng bản đồ số để quản lý và cung cấp thông tin ngành Da - Giầy Việt Nam” và “Ứng dụng mã vạch 2 chiều (mã QR) trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành Da - Giầy Việt Nam”.
Phát huy thế mạnh Viện nghiên cứu đầu ngành
Với lợi thế là Viện đầu ngành có truyền thống lâu đời, cơ sở vật chất hạ tầng tương đối tốt, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai thử nghiệm cùng sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu Da giầy đã không ngừng tìm tòi, ứng dụng các công nghệ hiện đại mới vào sản xuất. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như: Công nghệ thiết kế, chế tạo giầy cho bàn chân khuyết tật; Công nghệ thuộc da mũ giầy sinh thái; Công nghệ thuộc da đà điểu, cá sấu; Ứng dụng phần mềm thiết kế 3D để thiết kế chế tạo giầy dép; Hệ thống phần mềm quản lý, cung cấp thông tin cho ngành da - giày Việt Nam...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, Viện đang tích cực phát triển nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển, hội nhập góp phần phục vụ cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng triển khai, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Viện nghiên cứu Da giày được coi là một trong những đơn vị đi đầu của ngành trong việc ứng dụng công nghệ mới vào nâng cao hiệu quả khai thác và sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn tới, Viện Nghiên cứu Da – Giầy hướng tới phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các dự án sản xuất thử nghiệm cho các sản phẩm thuộc da đã được Viện nghiên cứu trong giai đoạn trước. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn chuyên ngành, tập trung vào môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa với mục đích giúp cơ quan quản lý hoạch định xây dựng rào cản thương mại. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành da, giầy để có thể ứng dụng vào thực tế.
Ngoài ra, Viện định hướng tiếp tục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phụ trợ như: sản xuất keo tổng hợp để dán giầy, đế giầy, sản xuất sơn cho ngành da giầy cũng được chú trọng nhằm tận dụng nguyên liệu trong nước, giảm bớt nhập khẩu. 
Doãn Tâm
lên đầu trang