Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 14:42

Chủ nhật, 05/05/2024 | 14:42

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:35 ngày 09/02/2022

Dệt may Việt Nam phải thay đổi để thích ứng

Cho rằng kết quả ngành dệt may nói chung, Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng đạt được trong năm 2021 là kỳ tích, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các doanh nghiệp không nên ngủ quên trên chiến thắng và cần thay đổi để thích ứng.
Ngành dệt may vượt khó thành công
Chủ tịch Quốc hội cũng- nhấn mạnh: Năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp dệt may do là ngành sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, ngành đã vượt khó thành công khi đạt kim ngạch xuất khẩu cao, cao hơn cả so với thời điểm trước xảy ra dịch Covid-19. Đặc biệt quan trọng, dệt may Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và được đánh giá là điểm mua hàng tốt, an toàn.
Chia sẻ cụ thể về kết quả đạt được của ngành dệt may Việt Nam trong năm vừa qua, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)- cho hay: Ngành dệt may đạt 40,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, vượt qua con số 39,1 tỷ USD năm 2019- thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Điều này thể hiện nỗ lực cũng như sự linh hoạt ứng phó của các doanh nghiệp trong ngành trước biến động của thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt và chúc mừng Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần năm 2022
Năm vừa qua cũng là năm đáng nhớ đối với Vinatex khi lần đầu tiên lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đạt con số 1.446 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2020 và gấp 1,9 lần năm 2019. Phân tích nguyên nhân đạt lợi nhuận hợp nhất cao kỷ lục, lãnh đạo Vinatex- cho rằng: Điều đó đến từ quá trình tái cơ cấu và chuẩn bị tốt cho cả quá trình thay đổi về giá trị gia tăng, cơ cấu mặt hàng cũng như tỷ lệ nguồn nguyên liệu trong nước. “Năm 2021, đơn vị nào sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu đều chịu áp lực đứt gẫy chuỗi cung ứng, giao dịch logistics với chi phí cao. Riêng đối với Vinatex, do chủ động được nguyên liệu vải, đặc biệt là vải dệt kim đã đáp ứng tỷ trọng nội khối, vì vậy ít bị ảnh hưởng và đứt đoạn sản xuất hơn”, ông Lê Tiến Trường nói.
Sang năm 2022, dự báo tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 760 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2021. Thị trường dệt may thế giới cũng đang xác lập mặt bằng giá mới. Chỉ tính riêng giá bông, mặt bằng giá hiện đã tăng khoảng 60% so với năm 2021. Do vậy, doanh thu có thể cao hơn một cách dễ dàng nhưng biên lợi nhuận chưa chắc đã tăng, thậm chí có thể giảm. Với tình hình thị trường như trên, năm 2022 ngành dệt may Việt Nam xây dựng mục tiêu đạt 43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, tuy nhiên không đặt nặng tăng trưởng doanh thu hoặc là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà tập trung vào tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn phải đạt từ 20-25%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao kết quả đạt được của Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Để đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo Vinatex- kiến nghị: Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất huy động; sớm có hướng dẫn sử dụng gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế và các chính sách hỗ trợ cho người lao động quay trở lại thị trường lao động; sớm ban hành chính sách quốc gia cho phát triển ngành dệt may; cải thiện thủ tục hành chính, cụ thể là chính sách thuế VAT cho nguyên liệu nhập khẩu tại chỗ phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu; cắt giảm chi phí logistics…
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Quang Nghị - Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex bày tỏ lo lắng về tình trạng lép vế cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may trong nước với doanh nghiệp FDI. Lực lượng doanh nghiệp này có ưu thế tuyệt đối về công nghệ, thị trường, tài chính sẽ tạo nên sức ép vô cùng lớn với doanh nghiệp nội địa, cả trên thị trường xuất khẩu và trong nước.
Xây dựng thương hiệu ngành thời trang Việt Nam
Dưới chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ, ngành đã giải đáp kiến nghị của lãnh đạo Vinatex. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội- Lê Văn Thanh- thông tin: Trong gói kích thích kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng ban hành theo Nghị quyết 43/2022/QH15 có nội dung hỗ trợ cho người lao động quay trở lại thị trường lao động. Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ sớm hoàn thiện thủ tục và trình Chính phủ ban hành các văn bản liên quan trước ngày 15/2.
Bộ trưởng Bộ Công Thương- Nguyễn Hồng Diên bên cạnh việc đánh giá cao kết quả đạt được của ngành dệt may và Vinatex cũng- cho hay: Năm 2022 sẽ có cả thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp dệt may. Để hỗ trợ ngành, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách vĩ mô, cắt giảm chi phí logistics… tạo tối đa điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển.

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam
“Ngày 30/12/2021 Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trong đó xác định 4 quan điểm, 7 giải pháp cụ thể. Hy vọng, Chính phủ sớm ban hành làm cơ sở cho ngành triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin thêm.
Chỉ ra bối cảnh phát triển, nhất là chuỗi cung ứng thế giới sẽ thay đổi, có khả năng co gọn lại trong phạm vi lãnh thổ nhỏ hơn, không cách nhau quá xa về mặt địa lý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - nhận định: Ngành cần nghiên cứu, phát triển và duy trì chuỗi cung ứng theo hướng nào để thích ứng với bối cảnh chung. Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa chuỗi cung ứng, quản trị, đổi mới công nghệ để xây dựng mô hình kinh doanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Buổi gặp mặt được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 70 điểm cầu, tại 31 tỉnh, thành phố trên cả nước
Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp dệt may cần chú trọng hơn nữa tới thị trường nội địa với nhu cầu và quy mô tương đối lớn. Chú trọng xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam từ thị trường trong nước ra thị trường quốc tế. Quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dệt may Việt Nam để tạo thương hiệu riêng.
Để làm được những nhiệm vụ này, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đề nghị: Vinatex tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch với phương châm an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn, tuyệt đối không lơ là công tác phòng dịch. Sớm cơ cấu lao động để hoàn thành với chất lượng cao nhất các đơn hàng ngay từ đầu năm .
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng- chỉ rõ: Dệt may là ngành có vị trí rất quan trọng trong phục hồi kinh tế năm 2022 và năm 2023. Đề nghị các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho ngành. Đồng thời kỳ vọng, với nền tảng đã có, Vinatex sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn thử thách, gặt hái thành công trong năm 2022.
Tại buổi gặp mặt và chúc mừng lãnh đạo và người lao động Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhân dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 diễn ra ngày 8/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng: Tập đoàn tiếp tục phát huy kỳ tích trong năm vừa qua, sáng tạo, đoàn kết thực hiện tốt hơn mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2022.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang