Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 21:03

Thứ tư, 15/05/2024 | 21:03

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:23 ngày 15/02/2022

Hà Nội triển khai nhiều chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2021

Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 07 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 673 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Trong năm 2021, việc thực hiện công tác an toàn thực phẩm (ATTP) của Hà Nội đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Về công tác chỉ đạo, điều hành, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và triển khai công tác đảm bảo ATTP, tập trung vào các dịp cao điểm về ATTP như Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động về ATTP.
Hà Nội triển khai nhiều chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa: nld.vn)
Cùng với đó, xây dựng, triển khai các chương trình, đề án bảo đảm ATTP. Cụ thể, ngành Y tế thực hiện 2 hoạt động thuộc chương trình ATTP, bao gồm: Hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP và Hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngành Công Thương tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025” và tổ chức triển khai nhân rộng tại các huyện, thị xã. Hiện thành phố có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án. Xây dựng Đề án quản lý, đầu tư cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn thành phố; Triển khai xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản. Công tác giao thương, kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn cũng được triển khai. Sở Công Thương đã nhận được đề nghị hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản của 22 tỉnh thành, đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ thông qua nhiều hình thức như các kênh phân phối (Trung tâm thương mại, siêu thị…), các sàn thương mại điện tử… Hà Nội cũng đã đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông, góp phần chống gian lận thương mại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai đồng đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện Chương trình phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hợp tác các tỉnh và xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản. Duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo ATTP.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP. Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác thông tin và truyền thông về ATTP, được đẩy mạnh, đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí, website ngành... Duy trì chương trình nhận biết thực phẩm an toàn trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, lồng ghép nội dung đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid-19. Phối hợp chặt chẽ giữa UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tuyên truyền vận động, giám sát ATTP. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh covid-19 phức tạp, kéo dài cũng có ảnh hưởng tới các công tác ATTP, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thanh kiểm tra hậu kiểm…chưa đạt kế hoạch đề ra.
Bước đầu đã có những ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh được triển khai đã giúp người dân tiếp cận nhiều đặc sản vùng miền chất lượng cao.
Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành đã được tăng cường, đặc biệt trong các dịp Tết, Lễ hội, các đợt cao điểm về ATTP…, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở. Việc thanh, kiểm tra được thực hiện tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, công đoạn có nguy cơ cao về ATTP. 
Năm 2022, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác ATTP các cấp, ngành. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, cảnh cáo nhanh sự cố về ATTP trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phậm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định về ATTP. Triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP, phát triển các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc gia cầm, quản lý chợ, siêu thị. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Thực hiện cải cách, nghiêm túc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về ATTP.
Doãn Tâm
lên đầu trang