Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 17:21

Chủ nhật, 05/05/2024 | 17:21

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:06 ngày 21/02/2022

Hiệu quả từ chương trình cảnh báo sản lượng điện bất thường từ đo xa

Thời gian vừa qua, thông qua chương trình cảnh báo sản lượng điện bất thường từ đo xa, ngành điện TP Đà Nẵng đã nhanh chóng giúp khách hàng khắc phục sự cố một cách rất hiệu quả.
Điện lực Cẩm Lệ hỗ trợ khách hàng xử lý các vị trí chạm chập điện.
Mới đây, ngày 9-2-2022, qua theo dõi chương trình cảnh báo sản lượng điện, Điện lực Cẩm Lệ phát hiện khách hàng L.T.V. (Tổ 1, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ) có sản lượng điện tiêu thụ bình quân 223.48 kWh/ngày, tăng đột biến so với mức sử dụng trước đó. Sau khi kiểm tra thực tế, Điện lực phát hiện dây tải sau công tơ vào nhà bị chạm vào cáp viễn thông gây sản lượng tăng đột biến.
Ngay sau đó, nhân viên Điện lực Cẩm Lệ đã hỗ trợ khách hàng cô lập điện, xử lý đấu nối, băng keo cách điện tại vị trí chạm chập, căng lại dây đảm bảo an toàn và cấp điện trở lại. Cùng ngày, Điện lực Cẩm Lệ cũng phát hiện khách hàng N.V.T. có sản lượng tăng đột biến so với trước đó.
Sau khi kiểm tra, nhân viên Điện lực xác định nguyên nhân là do chạm chập tại đường dây âm tường trong nhà (dòng điện đo được là I=17,45A). Điện lực đã hỗ trợ khách hàng xử lý tại điểm chạm chập, đồng thời đề nghị khách hàng thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Điện lực cũng đã tư vấn cho các khách hàng có phương án thay thế dây tải và hướng dẫn cách tra cứu chỉ số điện tại địa chỉ: https://pcdn.cpc.vn/tracuu/ để chủ động theo dõi sản lượng tiêu thụ hàng ngày.
 
Ra đời từ năm tháng 9-2020, ứng dụng "Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa" do Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) nghiên cứu xây dựng đã phát huy hiệu quả với 13 vụ chạm chập phát hiện năm 2020, nâng lên 128 trường hợp năm 2021. Được nhân rộng trong toàn Tổng công ty Điện lực miền Trung, ứng dụng này tiếp tục mang đến hiệu quả "không ngờ" với hơn 600 vụ chạm chập được kịp thời xử lý, mang lại an tâm cho khách hàng sử dụng điện. Tính năng ưu việt của ứng dụng với thời gian phát hiện nhanh chóng chạm chập chỉ từ 2-3 ngày, thu hẹp phạm vi tìm kiếm chỉ còn 0,44% tổng số khách hàng sử dụng điện. Hiện nay, PC Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện và quản lý hơn 352.000 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố.
 
Trước khi có ứng dụng, các trường hợp chạm chập chỉ được phát hiện sau khi kết thúc kỳ ghi điện hàng tháng, khi phúc tra danh sách sản lượng tăng 30% với số lượng trung bình khoảng 60.000 khách hàng (tức trung bình khoảng 30 ngày mới tiến hành phúc tra 18% tổng số khách hàng). Đây là khoảng thời gian quá dài, phạm vi tìm kiếm lớn, tốn nhiều nhân lực đi kiểm tra thực tế để phát hiện chạm chập. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện, chi phí phát sinh khi xảy ra các tình huống chạm chập, đặc biệt là các nguy cơ mất an toàn điện.
 
Từ thực tế này, yêu cầu đặt ra là việc xây dựng thuật toán phát hiện nhanh các trường hợp sản lượng bất thường, đặc biệt là chạm chập điện với số ngày ít nhất có thể, thay vì chờ đến 30 hoặc 31 ngày như trước đó. Đồng thời, việc khoanh vùng tìm kiếm tăng/giảm đột biến cần thu hẹp, thay vì phải tìm kiếm đến 18% tổng số khách hàng, hỗ trợ kiểm tra thực tế có trọng điểm, tập trung, khả thi về nhân lực. Cùng với đó, chương trình phân tích sản lượng điện biến động bất thường thời gian thực được gấp rút xây dựng để phân loại nhanh chóng số lượng lớn 352.000 khách hàng hằng ngày.
 
Với mục tiêu này, chương trình phần mềm "Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa" được PC Đà Nẵng xây dựng thành công, trên cơ sở kết hợp cơ sở lý thuyết thống kê tương quan và hồi quy tuyến tính đưa ra kết quả phân tích hằng ngày 4 nhóm trường hợp "tăng đột biến", "giảm đột biến", "bình thường", "không sử dụng" với biểu đồ trực quan, hỗ trợ người dùng nhận định khả năng chạm chập điện trước khi kiểm tra thực tế. Năm 2021, các Điện lực trực thuộc Công ty đã phát hiện 128 trường hợp chạm chập, rò rỉ với nhiều nguyên nhân như chạm mái tôn, hàng rào, bồn nước, dây âm tường rò rỉ, chạm vào xà sắt trên trụ cột điện…, góp phần giảm thiểu phát sinh của khách hàng, ngăn chặn nguy cơ tai nạn điện giật trong nhân dân. Các thắc mắc của khách hàng qua Tổng đài 19001909 về chữ số công tơ năm 2021 đã giảm 125 trường hợp so với năm trước đó.
 
Từ hiệu quả mang lại trên phạm vi TP Đà Nẵng, tháng 4-2021 Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã nhân rộng ứng dụng trong 13 Cty Điện lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời xây dựng hệ thống "Giám sát sản lượng điện bất thường" phiên bản web https://gssldien.cpc.vn. Tháng 5-2021, công trình tiếp tục triển khai trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay được tích hợp thống nhất vào chương trình Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS.
 
Được biết, Công trình "Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực đo từ xa" do nhóm tác giả PC Đà Nẵng: Huỳnh Thảo Nguyên (Chủ nhiệm); Lê Hồ Cường, Võ Hòa (đồng Chủ nhiệm); Phan Quang Tú, Bùi Văn Minh, Huỳnh Văn Tiến (thành viên) nghiên cứu đã nhận được các giải thưởng: Giải Ba Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; "Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021" của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là một trong ba thành phần của "Giải pháp cung cấp điện thông minh cho TP Đà Nẵng" được Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) năm 2021. 
Theo: CADN
lên đầu trang