Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 06:28

Thứ hai, 06/05/2024 | 06:28

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:28 ngày 07/03/2022

Giảm chi phí sản xuất: Công nghệ là giải pháp trọng tâm

Nhờ áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ, Công ty Cổ phần giấy Mục Sơn đã giảm chi phí khoảng 305.712 đồng/tấn sản phẩm; hiệu quả sử dụng năng lượng giảm khoảng 44.231 đồng/tấn sản phẩm… tương đương tổng chi phí sản xuất giảm khoảng 6-7%.
Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, việc triển khai các giải pháp kỹ thuật và quản lý trong quá trình sản xuất giấy, không chỉ giúp tránh được các tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người, mà còn mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp như: Tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên vật liệu và hóa chất phụ gia; nâng cao hiệu suất hoạt động của nhà máy, nâng cao sự ổn định và chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp giấy cần kết hợp các giải pháp công nghệ để kiểm soát vận hành sản xuất
Theo Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, trong ngành giấy, việc ứng dụng các giải pháp sản xuất phù hợp có thể góp phần tiết kiệm được khoảng 10 - 20% nước tiêu thụ cho sản xuất, 5 - 10% định mức tiêu thụ điện năng và 5% các nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì có quy mô vừa và nhỏ, có rất nhiều tiềm năng để áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, các nhà máy giấy quy mô dưới 50.000 tấn/năm, máy móc, thiết bị chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Các thiết bị hầu như đều hoạt động bán tự động và được vận hành theo kinh nghiệm của công nhân vận hành mà không ban hành chi tiết các quy trình vận hành cho từng thiết bị cụ thể. Bởi vậy, khi có trục trặc về thiết bị, dẫn đến mất ổn định chất lượng sản phẩm, thất thoát nguyên vật liệu và năng lượng.
“Khả năng tiếp cận trình độ công nghệ của các nhà máy giấy bao bì quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực và thế giới; gây ra các vấn đề về nước thải, khí thải, gây ô nhiễm môi trường, tỷ lệ thu hồi giấy loại thấp...” - đại diện Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cho biết.
Ngoài ra, việc vận hành không hiệu quả, áp dụng và kiểm soát quy trình công nghệ sản xuất chưa phù hợp dẫn tới thời gian dừng máy nhiều, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm không ổn định. Chất lượng sản phẩm giấy bao bì công nghiệp thường ở phân khúc thấp và trung bình. Vì vậy, để giải quyết được bài toán nâng hiệu quả quá trình sản xuất và bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải kết hợp các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm kiểm soát công nghệ, kiểm soát vận hành trong quá trình sản xuất.
Theo các chuyên gia, công nghiệp giấy đã trở thành một trong những ngành công nghiệp chế biến lớn của thế giới, với sản lượng và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng. Tại Việt Nam, ngành giấy có tốc độ phát triển khá cao, trên 10%/năm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường vào trong ngành giấy ở nước ta chính là chi phí đầu tư ban đầu còn lớn trong khi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất hạn chế.
Chưa kể, nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng tiếp nhận, triển khai các công nghệ - thiết bị mới, công nghệ hiện đại còn rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ chuyên ngành giấy, bột giấy. Thậm chí, hiện nay, nhiều nhà máy chỉ có 1 - 3 kỹ sư công nghệ giấy làm việc, thậm chí có nhà máy không có một kỹ sư công nghệ hay lao động có trình độ tương đương nào. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, của đội ngũ khoa học - công nghệ trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy nâng cao năng lực hấp thu công nghệ.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp giấy nhiều nhưng phần lớn là doanh nghiệp có công suất vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế nên việc áp dụng công nghệ còn nhiều khó khăn.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang