Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 14:31

Thứ bảy, 27/04/2024 | 14:31

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:41 ngày 23/03/2022

Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt

Chiều ngày 22/03, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Đoàn thanh niên ba Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 
Toàn cảnh hội thảo.
Hiện nay, dịch Covid-19 đang tác động lớn đến các ngành của Việt Nam, việc ứng dụng nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu để kết nối trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, việc ứng dụng này vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm. Đánh giá về tầm quan trọng của việc TXNG, ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, TXNG sẽ giúp nâng cao uy tín của sản phẩm Việt tại các thị trường trong và ngoài nước, qua đó các cơ quan khác tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của Việt Nam sẽ được thuận lợi hơn.
Ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã có bài tham luận về truy xuất nguồn gốc và các ứng dụng số hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ sản phẩm Việt. Bài tham luận đã giới thiệu về tem truy xuất nguồn gốc itrace247 – một sản phẩm của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), giúp người dùng có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến, các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu hay toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch, đóng gói theo trình tự thời gian.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương
Bà Minh Thúy cho biết: “Tem TXNG đã được thí điểm cho các sản phẩm như Mận Yên Châu, Sơn La, Vải Bắc Giang, Nhãn Hưng Yên… Hệ thống được thiết kế một cách thân thiện, dễ hiểu, đơn giản, và ai cũng có thể sử dụng được. Chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng nông dân có thể sử dụng hệ thống này để tích hợp các dữ liệu”. Bên cạnh đó, bài tham luận cũng chú trọng hoạt động đưa sản phẩm lên bản đồ xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam, hy vọng mở rộng thị trường trên nền tảng số. 
Trong tham luận tiếp theo về đảm bảo được kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc để số hóa chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp Việt, ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã giới thiệu, giải thích về mã số, mã vạch quốc gia. Ông Chính cho biết, hiện nay có gần 60 nghìn doanh nghiệp được cấp mã vạch, hơn 750 nghìn sản phẩm được tạo mỗi ngày… 
Ông Bùi Bá Chính phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải như: dữ liệu truy xuất nguồn gốc không tập trung, mỗi doanh nghiệp cung cấp giải pháp lưu trữ cơ sở dữ liệu riêng gây khó khăn trong công tác quản lý. Cùng với đó, thông tin TXNG không đáp ứng “các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc”. Đặc biệt, người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp hay việc hiện nay chưa có chế tài xử lý vi phạm về truy xuất nguồn. 
“Để tham gia vào sân chơi toàn cầu, chúng ta phải đúng chuẩn” - ông Bùi Bá Chính nhấn mạnh. Bởi vậy, trong mục tiêu đề ra đến năm 2025, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, cần sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, cần hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Ngoài ra, tham luận "Ứng dụng truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị số hóa trong tiêu thụ nông sản sạch" của ông Phan Việt Hoàn - Tổng Giám đốc Công ty CP Cung ứng thực phẩm sạch FRESHDI và tham luận "Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới" của ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo đại biểu tại hội thảo.
Với nhiều thông tin hữu ích, hội thảo đã giúp nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng hiểu sâu hơn quy định, hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản phân phối trong nước và xuất khẩu, qua đó, chủ động ứng dụng công nghệ để tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm nông sản Việt Nam. 
Phương Loan 
lên đầu trang