Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:44

Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:44

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:59 ngày 26/04/2022

Khẳng định “thương hiệu Narime” trong lĩnh vực cơ khí chế tạo Việt Nam

Với phương châm “Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) đang ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực cơ khí chế tạo Việt Nam. “Thương hiệu Narime” giờ đây đã gắn liền với nhiều công trình trọng điểm của đất nước, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Để có được thành công đó, TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết, trong những năm qua, Narime đã thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước. “Viện luôn xác định và coi hoạt động khoa học công nghệ là trọng tâm. Hiệu quả hoạt động kinh tế phải dựa trên cơ sở hoạt động khoa học và công nghệ mang lại” – TS. Phan Đăng Phong khẳng định.
Cũng theo TS. Phan Đăng Phong, trung bình mỗi năm, Viện thực hiện khoảng 5 đến 10 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với nguồn lực tài chính từ các hợp đồng kinh tế lớn, thời gian qua, Viện đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Hệ thống phao nổi nhà máy điện mặt trời nổi. (Ảnh: NARIME)
Cụ thể, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện đã thực hiện nhiều dự án thiết kế, chế tạo thiết bị phụ trợ; từng bước làm chủ thiết kế nhà máy, quản lý dự án, tích hợp thiết bị đưa vào vận hành cho các nhà máy chế biến bauxít.
Trong lĩnh vực tự động hoá, Viện đã làm chủ việc thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền công nghiệp như nhà máy giấy, xi măng, thủy điện nhỏ.
Hay trong lĩnh vực thủy điện, ngoài việc tham gia đề xuất chiến lược nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, Viện còn bắt tay vào thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện. Tiêu biểu là hai dự án cấp đặc biệt là Sơn la (2400MW) và Lai Châu (1200MW).
Trong khi đó, ở lĩnh vực nhiệt điện, Viện đã làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Lắp đặt Hệ thống cung cấp than Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: NARIME)
Ngoài ra, Viện đã thành công trong việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời nổi. Đây là sản phẩm khoa học công nghệ được hỗ trợ từ quỹ đầu tư phát triển của Viện. Công nghệ đã được ứng dụng cho dự án Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5MW.
Trong năm 2021, bên cạnh thực hiện tốt, đúng tiến độ các đề tài còn lại thuộc dự án khoa học và công nghệ "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến 600 MW", Viện tiếp tục tham gia sâu hơn các công việc thuộc lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Từ đó, bảo đảm cho Viện có lợi thế về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo uy tín trên thị trường và tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn. "Các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ vẫn tiếp tục triển khai với mục tiêu thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp trong và ngoài nước" – TS. Phan Đăng Phong cho hay.
Hiện, Narime đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ các công nghệ mới như: công nghệ, thiết bị thải khô bùn đỏ, hệ thống xử lý sự cố môi trường, áp dụng cho các nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ. Ddặc biệt, để tiếp cận gần hơn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viện đã thành lập nhóm nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến rô bốt và công nghệ cao với mục tiêu làm chủ một số công nghệ trong các hệ thống sản xuất tự động, linh hoạt và hệ thống kho chứa thông minh trong ngành công nghiệp.
Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí và tự động hoá. Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Viện đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành Cơ khí Việt Nam trong chương trình nội địa hoá thiết bị và hệ thống các nhà máy công nghiệp. Các đề tài do Viện thực hiện đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, chủ động trong kế hoạch sản xuất. Rất nhiều đề tài sau khi thực hiện đã triển khai áp dụng hiệu quả tại những công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất và được đánh giá cao.
Bích Phương

lên đầu trang