Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:15

Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:15

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:02 ngày 23/06/2022

Tuyên Quang phấn đấu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm xếp loại A, B

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Quyết định số 89/KH-UBND về Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu triển khai công tác quản lý đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản, góp phần bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Kế hoạch đề ra một số kết quả và chỉ số cần đạt, cụ thể: 100% văn bản quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản của Việt Nam và thị trường nhập khẩu được phổ biến, cập nhật; Diện tích về trồng trọt, diện tích nuôi thuỷ sản, số cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến được chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ, ISO…) tăng trên 10% so với năm 2021; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra xếp loại A, B; Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng lên 85% so với 45,7% năm 2021,...
 Tuyên Quang phấn đấu tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng lên 85% so với 45,7% năm 2021. (Nguồn ảnh: https://doanhnhandatviet.com.vn)
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh Tuyên Quang đề ra 08 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Một là chỉ đạo gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông, lâm, thuỷ sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hai là tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới.
Ba là triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khoẻ cộng đồng, phát triển bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 theo Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh.
Bốn là tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022. Bổ sung trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường.
Năm là triển khai đồng bộ, đầy đủ hoạt động thẩm định, chứng nhận, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc ký cam kết của cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; đồng thời duy trì triển khai các chương trình giám sát, cảnh báo về chất lượng và ATTP nông, lâm, thủy sản; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Sáu là đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản khi thực hiện.
Bảy là nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Tổ chức tìm kiếm thị trường và xúc tiến thương mại sản phẩm; triển khai có hiệu quả Chương trình đảm bảo ATTP nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025.
Tám là triển khai các dự án, Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; xây dựng và vận hành hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao, giá trị, năng lực cạnh tranh nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đơn vị liên quan kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quản bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước. Kết nối đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ trước ngày 20 hàng tháng báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Kế hoạch chi tiết xem Tại đây.
Nhật Quang 
lên đầu trang