Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 13:10

Thứ ba, 30/04/2024 | 13:10

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:47 ngày 18/07/2022

Phát huy vai trò "đầu tàu" trong tham mưu các chính sách ngành Công Thương

Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương đã không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ, phát huy vai trò "đầu tàu" giúp tham mưu các chính sách của ngành Công Thương.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương là đơn vị đầu ngành trực thuộc Bộ Công Thương với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, kinh tế số phục vụ sự phát triển của các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Ngoài ra, Viện còn thực hiện và phối hợp thực hiện thẩm định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình, chính sách phát triển thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Trong thời gian qua, Viện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đáng chú ý, các chiến lược, chính sách do Viện tham mưu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương làm việc với Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Nam (Ảnh: https://vioit.org.vn/)
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, một trong những chiến lược quan trọng mà Viện đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng là “Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Chiến lược đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014. Chiến lược đã góp phần huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo. Đặc biệt, chiến lược đã ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược. Đồng thời, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Viện còn chủ trì nghiên cứu, lập “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014. Theo TS. Nguyễn Văn Hội, quy hoạch đã góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cùng với đó, Viện đã chủ trì nghiên cứu, lập “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Quy hoạch đã phát triển các trung tâm logistics trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương và Viện Nghiên cứu phát triển Doanh nhân Việt Nam - ASEAN. (Ảnh: https://vioit.org.vn/)
Đặc biệt, “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Viện chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã góp phần phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước. Chiến lược đã chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Không dừng lại ở đó, Viện còn chủ trì nghiên cứu, xây dựng và báo cáo để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030”. TS. Nguyễn Văn Hội cho hay, chiến lược sẽ góp phần phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất nhập khẩu, tính hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; phát triển xuất nhập khẩu cân đối, hài hòa về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa để đảm bảo tính bền vững trên cơ sở thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương hiện có đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, bao gồm 3 Phó giáo sư và trên 20 Tiến sĩ. Ngài ra, Viện còn ký hợp đồng lao động với các chuyên gia nước ngoài đang làm việc và nghiên cứu tại Viện.
Hà Nguyễn
lên đầu trang