Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 02:51

Thứ hai, 29/04/2024 | 02:51

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:13 ngày 01/08/2022

Thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ của Viện Công nghiệp Thực phẩm và định hướng phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Viện Công nghiệp Thực phẩm (CNTP) là một đơn vị nghiên cứu ứng dụng trực thuộc Bộ Công Thương với 55 năm hoạt động. Ngay từ những ngày đầu thành lập công tác tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ vào đời sống đã luôn được Viện xác định là nhiệm vụ chuyên môn, chính trị trọng tâm hàng đầu.
Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, phát triển song hành cùng lịch sử đất nước, Viện CNTP đã thực hiện các hoạt động chuyển giao, tư vấn công nghệ sản xuất thực phẩm phục vụ đời sống xã hội theo yêu cầu đặc trưng của từng thời kỳ: các công nghệ sản xuất mỳ chính, nước chấm thủy phân, nước chấm lên men, tương, chao, đậu phụ, rượu, chế biến các sản phẩm ngũ cốc thay thế gạo trong thời kỳ kháng chiến..., sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng cho xã hội: rượu màu, rượu mùi, tinh dầu, hương thực phẩm, axit hữu cơ,  sản xuất các loại nước uống pha chế, lên men, rượu vang, mứt quả trong giai đoạn bao cấp. Đặc biệt, khi bước vào thời kỳ đổi mới, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện, xây dựng mô hình sản xuất bia phù hợp với thực tế và nhu cầu thị trường Việt Nam. Công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả trên nhiều địa phương trong toàn quốc, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cho xã hội và góp phần quảng bá thương hiệu Viện. 
Những hình thức chuyển giao công nghệ và một số thành tựu trong chuyển giao công nghệ giai đoạn 2018-2022 của Viện CNTP
Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu ứng dụng sản xuất của Viện vẫn tiếp tục được chú trọng phát triển với định hướng làm chủ một số công nghệ cao tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tiêu dùng, dinh dưỡng và sức khỏe, giảm phát thải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần nâng cao giá trị một số hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Để hoàn thành mục tiêu tạo ra và hoàn thiện công nghệ mới có tính ứng dụng cao, sau đó chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ mà Viện đã phát triển được, với mục tiêu tạo ra sản phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh tế vượt trội các lĩnh vực: 
• Khai thác và ứng dụng chủng giống vi sinh vật có lợi trong sản xuất thực phẩm (cung cấp chủng giống cho sản xuất rượu, bia, cồn nhiên liệu, lợi khuẩn ở quy mô công nghiệp, sản xuất lợi khuẩn, synbiotic từ lợi khuẩn và chất xơ nguồn gốc thực vật, sản xuất protein, chất màu, vi chất, vitamin từ sinh khối ...) 
• Nâng cao chất lượng và vệ sinh thực phẩm các sản phẩm lên men truyền thống (sản phẩm tương, nước chấm đậu nành, rượu gạo, rượu vang, dấm, nước mắm, các sản phẩm chế biến thịt, cá, tôm lên men, các sản phẩm lên men chứa chất màu tự nhiên, vitamin ...) 
• Ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ enzyme trong nghiên cứu phát triển và hoàn thiện công nghệ sản xuất các loại đường chức năng từ các nguồn tinh bột (maltodextrin, isomatulose, xylose, trehalose, cyclodextrin, erythritol ...)
• Ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ enzyme trong nghiên cứu phát triển và hoàn thiện công nghệ chế biến rau quả (tăng hiệu suất trích ly, tăng chất lượng hương vị màu sắc của dịch trích ly, lên men rượu vang, đồ uống độ cồn thấp từ hoa quả, đồ uống lên men acetobacter...) 
• Ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật cao trong chiết tách các hoạt chất thiên nhiên, thu nhận – làm giàu tinh dầu, dầu béo, hoạt chất sinh học... 
• Ứng dụng các kỹ thuật cao trong chế biến thực phẩm sấy phun, sấy đông khô- thăng hoa, sấy lạnh, vi nang, ... 
• Công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng 
• Xử lý nước thải trong công nghiệp thực phẩm Trong giai đoạn 2018-2022, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện được 26 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với tổng giá trị 4.594 triệu đồng. Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid, Viện vẫn duy trì và cố gắng đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ. Năm 2020, tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ KHCN của Viện đạt 12,1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Năm 2021, tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ khoảng 12,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 0,5 tỷ đồng. Các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ KHCN của Viện đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng: 
• Chuyển giao quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ 
• Bảo trợ kỹ thuật, cung cấp công thức, chủng giống hoặc nguyên liệu độc quyền 
• Tư vấn cải tiến, đổi mới, đầu tư mớicông nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng 
• Tư vấn đánh giá chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu suất, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tiêu hao 
• Đào tạo kiến thức lý thuyết và thực hành về công nghệ và R&D trong công nghiệp chế biến thực phẩm 
• Hợp tác nghiên cứu R&D Các đối tác nhận dịch vụ KHCN và CGCN của Viện cũng rất đa dạng, từ các Tổng Công ty, Tập đoàn, Nhà máy lớn như: Tổng Công ty Cổ phần Rượu bia Nước Giải khát Hà Nội(HABECO), Công ty cổ phần Bia Sài Gòn, Công ty CP Dược phẩm Sao Thái Dương, TH Milk, Công ty Cổ phần sữa Ba Vì,Công ty Cổ phần Minh Dương, Công ty Ong Trung Ương, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, Công ty Cổ phần Ong mật Bình Phước... các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương: Trung tâm khuyến công, Trung tâm KHCN, Trung tâm Môi trường trực thuộc các Sở Công thương, Sở KHCN, Sở NN và PTNT, các công ty vừa và nhỏ trên toàn quốc đang đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm: hộ gia đình chế biến cá thể, làng nghề, các công ty start-up, ...
Trong quá trình chuyển giao công nghệ, Viện CNTP đã liên tục cập nhật thông tin, xây dựng và duy trì quan hệ với các đối tác nhằm tạo hệ sinh thái gồm các bên: đối tác nhận công nghệ, đối tác cung ứng hàng hóa và thiết bị liên quan (các công ty cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu, bao bì, phụ gia thực phẩm...), các cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN, các tổ chức phi chính phủ và các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới công nghệ 
Những thách thức trong công tác chuyển giao công nghệ trong công nghiệp 4.0 và một số giải pháp định hướng của Viện CNTP
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ cho ra đời thế hệ công nghệ mới là sự kết hợp các công nghệ trong nhiều lĩnh vực: vật lý, kỹ thuật số, hóa học, sinh học để tạo ra nền sản xuất thông minh. Đồng thời, những cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã đảo ngược một số xu hướng, đẩy nhanh và tạo ra những xu thế tiêu thụ thực phẩm hoàn toàn mới, sự thay đổi trong nếp sống, thói quen ăn uống, cũng như những yêu cầu ngày càng khắt khe về dinh dưỡng, truy xuất nguồn gốc, tính an toàn và bền vững của thực phẩm cũng là những yếu tố mà hoạt động chuyển giao công nghệ thực phẩm cần quan tâm. 
Ứng dụng sản xuất bia gừng tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ
Phân tích các xu hướng thay đổi của công nghệ và hình thức chuyển giao trong thời gian tới, các cơ hội cũng như thách thức của quá trình hội nhập, các công nghệ cạnh tranh từ các đơn vị ứng dụng KHCN trong nước và ngoại nhập. Viện CNTP xác định cần nỗ lực nâng cao chất lượng và năng lực để tồn tại và cũng đã có những nhìn nhận và đánh giá những điểm mạnh - yếu, và vị trí của Viện trong thị trường KHCN. Từ đó, xác định hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao trong thời gian tới sẽ tập trung ở các hướng công nghệ: 
- Các công nghệ sinh học về chủng giống, lên men sinh khối thu nhận các dinh dưỡng thay thế (alternative nutrition): chất béo, protein, vitamin, vi chất... 
- Các công nghệ chiết tách hoạt chất thiên nhiên và tạo chế phẩm: công nghệ vi nang, phytosome, lyposome 
- Công nghệ in thực phẩm 3D và các công nghệ liên quan (tạo mực in, tạo chất ổn định, tạo hương, màu, chất kết dính ...) 
- Nâng cao chất lượng dinh dưỡng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, ưu tiên sử dụng các phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, các kỹ thuật chế biến không tạo ra các chất độc hại cho sức khỏe con người 
- Ứng dụng các kỹ thuật cao trong chế biến thực phẩm: kỹ thuật thanh trùng phi nhiệt, vô trùng aseptic, sấy thăng hoa, hồng ngoại, vi sóng, siêu âm, ứng dụng hoạt chất ức chế, diệt khuẩn, chống oxi hóa, tạo cấu trúc, màu, hương có nguồn gốc tự nhiên... 
- Phân tích đánh giá chất lượng dinh dưỡng, cảm quan, vệ sinh, an toàn của sản phẩm 
- Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về tính chất công nghệ, dinh dưỡng, cảm quan của nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, về các biến đổi của thực phẩm trong quá trình công nghệ 
- Hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá thực trạng quản lý chất lượng sản phẩm và thực trạng công nghệ trước khi thực hiện số hóa; xây dựng tiêu chuẩn, hệ thống quản lý và đánh giá chất lượng sản phẩm phù hợp với lộ trình số hóa Để hoạt động chuyển giao công nghệ thực sự phát triển và có các kết quả được ghi nhận, đặc biệt trong nền kinh tế sản xuất 4.0 thì cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các đối tác Nhà quản lý - Nhà khoa học - Doanh nghiệp sản xuất – Doanh nghiệp cung ứng – Doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm. 
Bên cạnh nỗ lực tự vận động để nâng cao năng lực, giải quyết khó khăn, Viện CNTP cũng cần sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước trong các khu vực khó có thể nhận sự hợp tác, đầu tư của khối tư nhân để có thể tạo ra được sức mạnh cạnh tranh, bứt phá như: các giải pháp về tư vấn pháp lý; nguồn vốn đầu tư nghiên cứu ban đầu để thăm dò, đánh giá hiệu quả công nghệ từ các ý tưởng: các ý tưởng cần có nghiên cứu đánh giá thăm dò trước khi chào bán hoặc đề nghị hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là các ý tưởng liên quan trực tiếp hoặc phục vụ công nghệ học máy, AI, công nghệ sinh học, công nghệ nano ứng dụng trong công nghệ thực phẩm; các giải pháp về đầu tư nâng cao hạ tầng: hệ thống cơ sở dữ liệu, tham gia vào xây dựng Big Data, xây dựng hệ thống co sở dữ liệu để tương thích tham gia mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), một số thiết bị phòng thí nghiệm, một số thiết bị công nghệ cao có tính đột phá; đặc biệt là nhóm giải pháp về trung tâm kết nối, trung tâm thực tế ảo, phòng trưng bày ảo: cần có một cơ chế chính sách hợp lý để có thể xây dựng một không gian trong đó nhà quản lý, xây dựng chính sách, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp có thể cùng giao tiếp, trao đổi thông tin, nhìn nhận và tiếp cận các vấn đề thực tế ở nhiều mặt
ThS.Trần Hoàng Quyên
(Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Số 48 - Tháng 7/2022)
lên đầu trang