Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:44

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:44

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:49 ngày 27/09/2022

PC Hòa Bình: Chuyển đổi số vì quyền lợi khách hàng

Thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, thời gian qua, Công ty Điện lực (PC) Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động chuyển đổi số (CĐS).
Thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, thời gian qua, Công ty Điện lực (PC) Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc Thịnh - Giám đốc PC Hòa Bình.
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật về sản xuất, kinh doanh (SXKD) của đơn vị gắn liền với công tác số hóa thời gian qua của PC Hòa Bình?
Trong 6 tháng đầu năm, PC Hòa Bình đã quản lý, vận hành an toàn lưới điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn với sản lượng điện thương phẩm đạt 560,6 triệu kWh, tăng 6,23% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh - Giám đốc PC Hoà Bình (người đứng) cho biết, công ty đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình CĐS toàn diện (Ảnh: congthuong.vn/)
Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như doanh thu tiền điện đạt hơn 1.038 tỷ đồng, tăng 6,73% so với cùng kỳ; tỷ lệ khách hàng thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt 62,94%; chỉ số tiếp cận điện năng đạt 3,5 ngày, giảm 1,5 ngày so với quy định; các dịch vụ điện bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ 100%; dịch vụ cấp độ 4 đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành lắp đặt thay thế trên 55.000 công tơ điện tử, nâng tỷ lệ sử dụng công tơ điện tử trên lưới đạt 71%, có đo xa đạt tỷ lệ trên 62%.
Đối với công tác số hóa trong hoạt động SXKD và dịch vụ khách hàng (DVKH), PC Hoà Bình đã quyết liệt triển khai theo chủ trương và lộ trình của Tập đoàn EVN và Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Trong đó đã tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; thường xuyên đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công nhân viên; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động SXKD&DVKH.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, tính đến hết tháng 6/2022, PC Hòa Bình đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng đạt trên 99%; cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử và thanh toán trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%; triển khai hóa đơn điện tử cung cấp qua App (ứng dụng) CSKH, Website CSKH; các hồ sơ hợp đồng mua bán điện đã CĐS hoàn toàn, khách hàng có thể tra cứu được trên Website cũng như App CSKH. Triển khai App ứng dụng hiện trường CRM nhằm quản lý khép kín công tác DVKH, từ lúc tiếp nhận yêu cầu mua điện của khách hàng đến khi hoàn tất đều được theo dõi trên hệ thống CRM. Triển khai 4 nhóm quy trình theo đúng tiến độ của Tổng công ty.
Toàn đơn vị cũng đã từng bước cung cấp các loại hình dịch vụ trọn gói cho khách hàng như: Quản lý vận hành thuê, lắp đặt sửa chữa dây sau công tơ, thí nghiệm định kỳ, sửa chữa điện hotline để giảm thời gian mất điện, tăng tính ổn định cung cấp điện cho khách hàng…
PC Hòa Bình ứng dụng hệ thống SCADA/DMS vào vận hành tại trung tâm điều khiển xa (Ảnh: congthuong.vn/)
Thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường tỷ lệ khách hàng cài đặt và sử dụng Zalo, App CSKH của EVNNPC, hướng đến các hộ sử dụng điện đều được trải nghiệm các dịch vụ do EVN cung cấp, như: Tự tra cứu chỉ số hóa đơn tiền điện hàng tháng, xem lịch cắt điện theo kế hoạch, các thông tin quảng bá sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, cũng như các chủ trương của ngành liên quan đến công tác kinh doanh và DVKH.
Bên cạnh đó, việc thanh toán tiền điện cũng được PC Hòa Bình mở rộng, đa dạng hóa bằng nhiều hình thức thanh toán như: Trích nợ tự động, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử, Ủy nhiệm thu/Ủy nhiệm chi, thanh toán trực tuyến trên Website… qua đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện một cách thuận lợi, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Vậy xét một cách tổng thể, công tác chuyển đổi số (CĐS) vào SXKD của công ty đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Để thực hiện tốt công tác vào SXKD phù hợp với mục tiêu của Tập đoàn EVN và EVNNPC, công ty đã thành lập Tiểu ban Điều hành thực hiện CĐS; xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình CĐS toàn diện từ công các quản lý, điều hành đến các hoạt động chuyên môn.
Đến nay PC Hòa Bình đã triển khai CĐS trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt được những kết quả cụ thể như sau: Đã số hóa toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực kinh doanh và DVKH, quản lý kỹ thuật, quản trị nội bộ; số hóa các quy trình nghiệp vụ liên quan đến tài chính kế toán - kỹ thuật và kinh doanh và DVKH; triển khai tương tác trên không gian số với 100% giấy tờ, văn bản bằng phần mềm Doffice; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ điện trực tuyến qua hệ thống dịch vụ CSKH như Chatbot, SMS, Cổng thông tin điện tử EVNNPC và Cổng dịch vụ công quốc gia…
Công ty đã áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong hoạt động SXKD, quản lý vận hành lưới điện như: Đưa vào khai thác hệ thống DMS, MDMC để vận hành tối ưu cho lưới điện. Đưa vào khai thác đồng bộ các trạm 110kV không người trực kết nối về Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) tại công ty, thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa (cụ thể đã kết nối 132/173 thiết bị Recloser, LBS trên lưới về TTĐKX và thí điểm được tự động hóa 2 mạch vòng), đảm bảo an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, công ty đã triển khai công tác đào tạo qua hệ thống Elearning, qua hệ thống Zoom, đào tạo qua hội nghị truyền hình, thi trắc nghiệm online; xây dựng và thực hiện truyền thông về CĐS bằng nhiều hình thức khác nhau…
Nhìn chung, công tác CĐS của PC Hòa Bình đã bám sát kế hoạch của Tổng công ty và Tập đoàn EVN giai đoạn 2021 – 2025.
Để đạt được những kết quả nêu trên, ông có thể cho biết đâu là những thuận lợi và trong quá trình thực hiện còn những khó khăn gì?
Để có được những kết quả nêu trên, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tổng công ty, cùng với nỗ lực, đồng lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty trong việc quán triệt, triển khai các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra theo lộ trình.
Thứ hai, công tác CĐS đã được xây dựng và triển khai có kế hoạch trọng tâm, trọng điểm, có đặt ra mốc thời gian, lộ trình, mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, công tác CĐS được Ban lãnh đạo công ty quan tâm và trực tiếp tham gia, giám sát thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công ty vẫn còn gặp một số khó khăn như: Khách hàng chưa nhận thức hết sự cần thiết trong công tác CĐS (giao dịch chủ yếu là tiền mặt, thiếu các cơ sở vật chất kỹ thuật); hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin cũ nên cần chi phí đầu tư lớn để thay thế, bổ sung nhằm đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật cho công tác CĐS. Bên cạnh đó, dù đã được đào tạo nhưng trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công nhân viên còn chưa đồng đều nên thời gian đầu còn một số trở ngại trong công tác CĐS.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng PC Hòa Bình sẽ quyết tâm thực hiện CĐS thành công bằng những giải pháp cụ thể. Theo đó, sẽ tiếp tục ưu tiên hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; nâng cao năng lực khai thác tối đa mạng nội bộ bảo đảm tự động hóa chính xác cao, an toàn và đáp ứng nhu cầu quản lý điều hành; đẩy mạnh và phát triển hơn nữa việc ứng dụng các hệ thống phần mềm trong các lĩnh vực kinh doanh và DVKH, quản trị doanh nghiệp, quản lý vận hành lưới điện bảo đảm truyền tải dữ liệu an toàn, ổn định, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng cũng như công tác quản lý vận hành lưới điện.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn/
lên đầu trang