Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 06:09

Thứ hai, 29/04/2024 | 06:09

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:21 ngày 18/10/2022

Ngành Công Thương Hải Dương: Đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Công tác an toàn thực phẩm của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn môi trường, Sở Công Thương Hải Dương cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Xin ông chia sẻ về những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua của Sở Công Thương Hải Dương nhằm nâng cao công tác quản lý về an toàn thực phẩm?
Từ đầu năm đến nay, về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, Sở Công Thương Hải Dương đã tổ chức 6 hội nghị tập huấn cho khoảng 900 đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương; tuần lễ xúc tiến thương mại và du lịch với việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều Thanh Hà, các mặt hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp thông minh, chế phẩm sinh học...
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn Môi trường, Sở Công Thương Hải Dương
Thông qua các hoạt động này, Sở tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn, yên tâm sử dụng, đảm bảo sức khoẻ.
Về thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Sở đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% thủ tục thực hiện đúng quy định và niêm yết công khai tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh.
Về công tác thanh tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, Sở đã chủ trì thành lập, tham gia phối hợp 3 đoàn kiểm tra liên ngành và tham gia Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, lấy mẫu sản phẩm của các cơ sở để kiểm nghiệm, kết quả các mẫu đều đạt yêu cầu về chất lượng.
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 15 chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn, chất lượng, ông đánh giá như thế nào về sự tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương?
Nghị định 15 đã tạo điều kiện thuận lợi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm như: Hồ sơ đơn giản; quy trình tiếp nhận và thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được tự công bố sản phẩm, đã buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với việc công bố các sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm với chất lượng các sản phẩm đã làm ra. Để làm được điều đó đòi hỏi các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải nghiên cứu, đầu tư hơn về các nguồn lực: Con người, thiết bị, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất chế biến, tài chính.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn có khó khăn, bất cập, vướng mắc: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được tự công bố tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm nhưng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng sản phẩm còn thiếu, nhất là các sản phẩm mang tính đặc thù địa phương. Do đó, không có sở sở, khó khăn để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân công bố chất lượng sản phẩm.
Những đối tượng không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tự công bố chất lượng sản phẩm, không có xác nhận của cơ quan nhà nước. Khi sản phẩm đưa ra thị trường, thì các khách hành chưa tin tưởng vào chất lượng, sự an toàn thực phẩm sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở.
Hải Dương là một trong những tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Theo ông, đâu là khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam còn thiếu, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, hiện nay cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm ngành Công Thương Hải Dương thiếu từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, chủ yếu là kiêm nhiệm. Trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm ngành Công Thương chưa được trang bị, kinh phí còn rất hạn hẹp.
Mặt khác, do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thường xuyên biến động về số lượng, nhiều cơ sở còn sản xuất thời vụ vốn đầu tư còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, doanh thu thấp, nên điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn chưa được quan tâm đúng mức, việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chưa được chú trọng, còn lạc hậu, thô sơ.
Nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn hạn chế, trong khi đó có nhiều khâu trong quy trình sản xuất đòi hỏi phải có kỹ thuật, chuyên môn, chưa nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm, đôi khi chạy theo lợi nhuận đã tác động trực tiếp đến việc lựa chọn chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương trong thời gian tới, ông kiến nghị giải pháp gì?
Xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của ngành Công Thương mà là trách nhiệm của các cấp các ngành, hay nói cách khác là của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, theo đó để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong giai đoạn hiện nay, Sở Công Thương Hải Dương đề xuất triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Thứ nhất, đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, kỹ thuật Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm ngành Công Thương cho các cán bộ quản lý tại địa phương, các hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Tăng cường liên kết, lồng ghép nội dung tuyên truyền, truyền thông về an toàn thực phẩm với các chương trình có liên quan khác để tận dụng nguồn nhân lực, thông tin và kinh phí chuyển tải các thông điệp truyền thông tới từng đối tượng.
Thứ ba, kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương. Chúng tôi đề nghị Trung ương mở các lớp đào tạo tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra an toàn thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn/
lên đầu trang