Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 06:44

Thứ sáu, 03/05/2024 | 06:44

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 14:44 ngày 21/12/2022

Bắc Ninh đặt mục tiêu 85% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP trong năm 2023

Trong Báo cáo Kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới” năm 2022 do Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã xác định nhiều mục tiêu nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2023.
Cụ thể, Báo cáo đặt ra mục tiêu đến năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người trở lên sẽ giảm xuống mức một vụ hoặc dưới một vụ; không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 85% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm (ATTP).
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và ký cam kết đảm bảo ATTP thuộc tuyến tỉnh quản lý đạt 100%, tuyến huyện quản lý đạt 95%. Tỷ lệ sản phẩm bao gói sản xuất tại địa bàn tỉnh được công bố hoặc tự công bố sản phẩm đạt 100%.
Để đạt được những mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất 07 nhóm giải pháp trọng tâm. 
Thứ nhất là về công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm về ATTP trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, vai trò của các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP. Tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành về công tác ATTP trong bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh...
Thứ hai là nhóm giải pháp về thông tin, truyền thông, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, giáo dục, ưu tiên sử dụng hình thức truyền thông qua mạng xã hội; nâng cao chất lượng nội dung tài liệu truyền thông và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Từ đó nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đội tình nguyện tham gia diễu hành tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và cuộc vận động Thanh niên Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn năm 2022 tại tuyến đường Lê Văn Thịnh, thành phố Bắc Ninh. (Nguồn ảnh: http://www.baobacninh.com.vn/)
Thứ ba là nhóm giải pháp về quản lý cơ sở, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả phần mềm “Hệ thống thông tin Quản lý An toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh; rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Cùng với đó là thực hiện cập nhật số liệu trên mềm quản lý dữ liệu về ATTP trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng tháng; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, công bố sản phẩm, quảng cáo...) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hơn thế, cần đưa ra những biện pháp can thiệp, xử lý để cơ sở thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP; ký cam kết đảm bảo ATTP; giám sát các lễ hội, sự kiện lớn trong năm 2023. Đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất ban đầu, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý các sản phẩm thực phẩm theo quy định. Quản lý chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Thứ tư là nhóm giải pháp về công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Theo Báo cáo, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hoá, thực phẩm nhập lậu và gian lận thương mại theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tập trung thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng các hoá chất liên quan đến thực phẩm, các chất phụ gia trong sản xuất, chế biến thực phẩm; việc quảng cáo, kinh doanh thực chức năng, thực phẩm bổ sung.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn công nghiệp, bếp ăn tập thể trong các trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm đã công bố hoặc tự công bố theo định kỳ (tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao lưu thông trên thị trường nhằm cảnh báo mối nguy và định hướng giải pháp quản lý). Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn. 
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP cần được đẩy mạnh (Ảnh minh họa: bqlattp.bacninh.gov.vn/)
Thứ năm là nhóm giải pháp về giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đối với công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, cần xây dựng và triển khai thực hiện đánh giá tình trạng mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm như: thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, dụng cụ bao gói thực phẩm, nước uống đóng chai, đóng bình, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, thực phẩm tươi sống... Tổ chức giám sát và lấy mẫu đánh giá mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện, nơi tập trung đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. 
Đối với công tác nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý địa phương (cán bộ huyện, xã), cán bộ quản lý chợ trên địa bàn toàn tỉnh các quy định về đảm bảo ATTP; kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ; tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức về ATTP cho các chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến nông, lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh.
Nhóm giải pháp thứ sáu là xây dựng các mô hình điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, tiếp tục thực hiện Kế hoạch “Đề án Bắc Ninh phấn đấu không còn thực không an toàn” giai đoạn 2022 – 2025; Đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Thực hiện thí điểm đề án kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại 08 chợ trên địa bàn 08 huyện, thành phố.
Triển khai hoạt động quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả “Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh” đối với các sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh, kết nối đồng bộ tới Cổng thông tin truy xuất nguồn quốc gia. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sản phẩm tham gia vào hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại...
Cuối cùng là nhóm giải pháp về đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Giải pháp này đề cao việc nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Bố trí nguồn lực tài chính để chủ động triển khai các hoạt động của giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm sản xuất lưu thông trên địa bàn tỉnh.
An Nhiên
lên đầu trang