Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:10

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:10

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:03 ngày 30/12/2022

HaUI chuyển giao chương trình, học liệu đào tạo tiếng Anh cho 32 trường cao đẳng, đại học thuộc Bộ Công Thương

Ngày 27/12, tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Tập huấn và chuyển giao chương trình, học liệu đào tạo tiếng Anh theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo” nhằm nâng cao chất lượng tiếng Anh chuẩn đầu ra cho 32 trường CĐ, ĐH thuộc Bộ. 
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mục tiêu xây dựng được lực lượng lao động có chất lượng cao, có kỹ năng tốt là điều vô cùng cần thiết. Trong đó, việc trang bị ngoại ngữ, mà cụ thể ở đây là tiếng Anh -  sẽ là chìa khóa để mở ra mọi thị trường lao động.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã cùng các trường đại học, cao đẳng trực thuộc nghiên cứu, xác định các giải pháp mấu chốt đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng dạy. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc học ngoại ngữ là phải có một phương thức, cách thức giảng dạy và học tập ngoại ngữ tiên tiến, phù hợp với thực tế năng lực giảng viên, sinh viên trong các trường của Bộ nói riêng và cả nước nói chung, và đặc biệt là phải gắn với nhu cầu thực tế của công việc.
32 trường cao đẳng, đại học đã được chuyển giao tài liệu đào tạo tiếng Anh chuẩn đầu ra (Nguồn ảnh: congthuong.vn/)
Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Ngô Thùy Ninh - đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết: “Mục tiêu của Hội thảo lần này nhằm chuyển giao và tập huấn cho các trường sử dụng các sản phẩm trên để sử dụng trong giảng dạy và học tập tiếng Anh tại các trường, cải thiện cơ bản chương trình, phương thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Việc chuyển giao hoàn toàn miễn phí”.
Đại diện Bộ Công Thương cũng đề nghị các trường sau chương trình tập huấn triệt để áp dụng kết quả học tập và sản phẩm được chuyển giao vào thực tế đào tạo, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất; Đồng thời nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội hội nhập và cách mạng CN lần thứ 4 để đưa ra các pháp đào tạo ngoại ngữ cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng trường; Quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ, cải tiến phương pháp và tạo môi trường có sử dụng ngoại ngữ, sử dụng ngoại ngữ gắn với ngành nghề đào tạo; tăng động cơ học tập cho sinh viên.
Cũng tại chương trình, Tiến sĩ Kiều Xuân Thực – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, thời gian qua, phía Nhà trường đã chủ động tăng cường tư vấn chuyên gia quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dạy và học ngoại ngữ và tìm ra được phương thức dạy - học tiếng Anh theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo và xây dựng các chương trình, đề cương chi tiết, học liệu online và offline theo cách thức này.
Bên cạnh đó, năm 2018, Nhà trường đã hoàn thành và chuyển giao cho các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương 06 chương trình và 48 đề cương chi tiết môn học; năm 2019 HaUI cũng đã chuyển giao trọn bộ học liệu Tiếng Anh Điện - Điện tử - gồm chương trình đào tạo, đề cương chi tiết và 6 bộ học liệu online-học liệu trên lớp; năm 2020 tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá cho giảng viên, giáo viên các trường trong Bộ.
“Đây là đợt chuyển giao tập huấn thứ 3, hệ thống tài liệu đào tạo tiếng Anh do trường phát triển có 2 điểm mới và cả về nội dung và phương pháp giảng dạy. Cụ thể về nội dung từ 2015, HaUI đã đưa tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp và theo chuẩn đầu ra, về phương pháp dạy học kết hợp đây là mô hình “lớp học đảo ngược”- Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định. 
Qua đây, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chuyển giao tài liệu của 05 ngành nghề đào tạo gồm: Cơ khí -ô tô; Dệt may-Thời trang; Thương mại; Công nghệ Hóa; Công nghệ thông tin với 34 bộ tài liệu giảng dạy, học liệu trực tiếp và trực tuyến cho các học phần cho 32 trường cao đẳng, đại học thuộc Bộ Công Thương.
Sự kiện sẽ là cơ hội giúp các trường có thể tham khảo, học tập và nhân rộng phương pháp, cách thức, mô hình giảng dạy- học tập ngoại ngữ của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; áp dụng hiệu quả vào hoạt động của trường mình; trên cơ sở đó tiếp tục cải tiến, sáng tạo và đề xuất những giải pháp mới cho nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho nguồn nhân lực ngành Công Thương và nguồn nhân lực cả nước. 
Hoàng Phương
lên đầu trang