Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:10

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:10

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 16:37 ngày 13/04/2023

EVNNPC đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải

Trong bối cảnh hệ thống điện vẫn gặp nhiều khó khăn, công tác tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải là giải pháp quan trọng, nhất là mùa nắng nóng đang đến gần.
Ngày 6/4, tại Hải Phòng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã tổ chức Hội nghị "EVNNPC chung tay cùng khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả" với mục đích nâng cao nhận thức và hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải (DR).
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 26 tỉnh ở miền Bắc với sự tham dự của 2.500 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
ENNNPC đẩy mạnh thực hiện chương trình tiết kiệm điện
Còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2023-2030 (được dự báo ở mức 6,5%-7%/năm), thì dự kiến nhu cầu điện cần tăng trung bình 8,37% và đạt mức khoảng gần 500 tỷ kWh điện thương phẩm, công suất cực đại khoảng 86GW vào năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã gần tới hạn, dẫn đến việc phụ thuộc một phần vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu; áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc Nam rất lớn; Một số dự án điện vào chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra; và những thách thức về tác động môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Tại miền Bắc, hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả Tp. Hà Nội) đã trở thành phần hệ thống điện lớn nhất 3 miền với mức công suất cực đại đạt 22,3GW và sản lượng đạt trên 100 tỷ kWh vào năm 2022.
Việc cung cấp điện tại miền Bắc trong các năm tới dự kiến rất khó khăn do nhu cầu sử dụng điện hệ thống điện miền Bắc có xu hướng tăng nhanh hơn các vùng miền khác trong khi thiếu các nguồn điện mới được triển khai xây dựng, đặc biệt là trong các ngày cao điểm mùa nắng nóng, phụ tải điện có xu hướng tăng cao đột biến trong khi các nguồn thủy điện và nhiệt điện đều bị giới hạn công suất khả dụng. Mặt khác, tại miền Bắc có khoảng 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn về sử dụng điện của nền kinh tế.
Trong khi đó, ngành điện nói chung và EVNNPC cũng đang chịu áp lực lớn về tài chính do nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao vì tác động hậu Covid-19 cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine và các yếu tố khác. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống, sản xuất và cung cấp điện cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2023, miền Bắc dự báo nắng nóng sẽ xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022, có những thời điểm trong ngày nắng nóng gây quá tải cục bộ cho hệ thống điện trên khu vực miền Bắc làm tăng nguy cơ sự cố gây mất điện diện rộng.
Tại miền Bắc, hiện nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Dự kiến giai đoạn này, khu vực miền Bắc chỉ đưa vào 1.427 MW (đã bao gồm NMĐ Thái Bình 2), thêm vào đó Pmax hệ thống điện Quốc gia trong mùa hè năm 2023 dự kiến tăng thêm 5.530MW so với năm 2022 (Pmax hệ thống điện miền Bắc dự kiến tăng 3.540MW) nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8.
Ông Vũ Xuân Khu - Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết: Về cơ bản hệ thống điện đáp ứng đủ nhu cầu điện cho đất nước nhưng ở một số thời điểm nắng nóng có thể gặp khó khăn cục bộ, do đó việc tiết kiệm điện thực sự cần thiết.
Nỗ lực của EVNNPC và lợi ích mang lại cho khách hàng
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Anh Phương - Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, trong điều kiện vô cùng khó khăn, tuy nhiên bằng nhiều giải pháp linh hoạt và thích ứng với tình hình trong nước và quốc tế, Tổng công ty vẫn đảm bảo tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh/thành phố ở miền Bắc (11,033 triệu khách hàng) với sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt 86,5 tỷ kWh (lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối thuộc EVN), góp phần quan trọng cùng các doanh nghiệp hồi phục sản xuất sau đại dịch. Đồng thời tiếp tục đầu tư đưa điện lưới Quốc gia đến vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện hạ tầng điện nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới...
Song song với việc cấp điện, thời gian qua, EVNNPC đã tiên phong triển khai Luật và các chương trình sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả như chủ động đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện tại gia đình, khu dân cư, trường học, công sở; thực hiện Giờ Trái đất; hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, tư vấn xây dựng mô hình quản lý năng lượng, đánh giá quản lý nhu cầu điện cho khách hàng; Hỗ trợ và cung cấp dịch vụ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tổ chức Hội nghị khách hàng tri ân và truyền thông về tiết kiệm điện trực tiếp và trực tuyến. Đẩy mạnh tuyên truyền về “Cẩm nang sử dụng điện thông minh” ở 3 lĩnh vực công nghiệp, tòa nhà và sinh hoạt.
Đối với chương trình DR, năm 2022, EVNNPC đã làm việc, ký kết biên bản thoả thuận với 2.231/2.289 (đạt 97,46%) khách hàng sử dụng điện dưới 3 triệu kWh/năm; Ký kết thoả thuận với 1.305/1.383 (đạt 94,36%) khách hàng sử dụng điện trên 3 triệu kWh/năm. Đồng thời phối hợp xây dựng Module dự báo phụ tải cho nhóm khách hàng có sản lượng ≥1 triệu kWh/năm.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả và tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện một mặt hỗ trợ ngành điện trong việc giảm áp lực cung cấp điện trong các giờ cao điểm, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng (tránh bị sự cố, quá tải), mặt khác giúp khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu chung của cả nước về giảm khí phát thải. Khi tham gia vào các chương trình trên sẽ hỗ trợ khách hàng có chi phí mua điện hợp lý hơn, sử dụng ít điện hơn vào khung giờ cao điểm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đại diện khách hàng chia sẻ kinh nghiệm DR tại Hội nghị
Cần sự chung tay, chia sẻ
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương, nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 279/QĐ – TTg ngày 08/03/2018 phê quyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/05/2020 về việc tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong giai đoạn 2020 - 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ, phấn đấu giảm 1.000 MW phụ tải đỉnh vào năm 2025, 2.000 MW vào năm 2030. Đồng thời tăng hệ số phụ tải điện quốc gia từ 3-4% giai đoạn 2021-2030.
"Để đạt được mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, rất cần sự vào cuộc của các Bộ, Ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, của các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện lớn trong việc phối hợp với Ngành điện, cụ thể là Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong công tác tiết kiệm điện, dự báo nhu cầu phụ tải, quản lý và điều chỉnh nhu cầu phụ tải trong mùa nắng nóng sắp tới" - Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đề xuất.
Ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc EVNNPC đề nghị các khách hàng chủ động bố trí hợp lý sản xuất, tránh sản xuất vào các giờ cao điểm, đặc biệt là các phụ tải tiêu thụ công suất lớn của các ngành sản xuất thép, xi măng, luyện quặng, sản xuất vật liệu xây dựng; hạn chế tối đa các thiết bị làm mát, hệ thống điều hoà, hạn chế việc vận hành các thiết bị có công suất lớn vào các giờ cao điểm. Tăng cường kết hợp bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tải cho lưới điện; Chủ động phối hợp với ngành điện thực hiện tốt công tác dự báo phụ tải trên phần mềm dùng chung, tuân thủ lệnh điều độ..
Ông Thiện cũng yêu cầu các công ty điện lực đảm bảo việc cấp điện đầy đủ, tiếp tục làm việc với các khách hàng về kế hoạch DR cụ thể trên nguyên tắc luân phiên, công bằng và minh bạch để đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của việc DR tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Nguồn: congthuong.vn/
lên đầu trang