Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:11

Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:11

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:17 ngày 22/06/2023

Khoa học công nghệ - Nền tảng đưa BIENDONG POC đến sự thành công

Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã vận hành hiệu quả Dự án Biển Đông 01, bổ sung quan trọng nguồn khí cung cấp cho khu vực Đông Nam Bộ trong những năm qua. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc BIENDONG POC - để tìm hiểu sâu hơn về dự án và định hướng phát triển của BIENDONG POC trong tương lai.
PV: Ông có thể chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật, những thành tích ấn tượng của Dự án Biển Đông 01?
TS Ngô Hữu Hải Tổng Giám đốc BIENDONG POC
TS Ngô Hữu Hải: Cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh thuộc Lô 05-2 và 05-3, bể Nam Côn Sơn là khu vực đặc biệt phức tạp về mặt địa chất, kỹ thuật lẫn yếu tố chính trị, quốc phòng. Đó là lý do mà Tập đoàn BP và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tiêu tốn nhiều triệu USD nhưng vẫn quyết định rút lui sau gần 20 năm hoạt động tại khu vực này.
Với quyết tâm chinh phục cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thành lập BIENDONG POC với sứ mệnh tiếp tục triển khai dự án phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, mang tên “Biển Đông 01”, đưa vào vận hành, khai thác, biến giấc mơ tìm dầu khí tại khu vực đặc biệt này trở thành hiện thực.
Kể từ khi khai thác thương mại dòng khí đầu tiên (6-9-2013), sản lượng khai thác tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh liên tục đạt trung bình 2 tỉ m3 khí và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm, góp phần bổ sung quan trọng khí cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng. Đến nay, BIENDONG POC đã khai thác an toàn, liên tục gần 17 tỉ m3 khí và hơn 25 triệu thùng condensate. Tổng doanh thu lũy kế của dự án tính đến ngày 31-3-2023 đạt hơn 4,66 tỉ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành 3,70 tỉ USD, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Không những vậy, tại dự án này, các giải pháp khoa học - công nghệ được nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công đã tiết kiệm chi phí và hiệu quả mang lại hơn 602,3 triệu USD. Trong đó, tính riêng các giải pháp xây dựng mỏ là 467,9 triệu USD; việc nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ khoan và hoàn thiện giếng ở điều kiện đặc biệt phức tạp đã mang lại hiệu quả hơn 77,73 triệu USD; nhóm giải pháp sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong khâu tổ chức vận hành khai thác đã mang lại hiệu quả hơn 56,4 triệu USD.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần hiệu quả có thể tính toán được. Còn các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu rủi ro nói chung để bảo đảm dự án phát triển thành công, các giải pháp về phát huy nội lực - tự chủ công nghệ, các giải pháp về khoa học quản lý để đưa dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng thì hiệu quả mang lại không thể tính toán bằng tiền được.
Dự án Biển Đông 01 - Cụm giàn xử lý trung tâm mỏ Hải Thạch
PV: Thưa ông, cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” có ý nghĩa như thế nào đối với thành công của dự án?
TS Ngô Hữu Hải: Cụm công trình này là cốt lõi không thể thiếu, bao gồm các giải pháp khoa học công nghệ mới được nghiên cứu phát triển và áp dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện Dự án Biển Đông 01, đặc biệt xuất sắc, lần đầu tiên thực hiện trong khu vực và trên thế giới.
Các mỏ thuộc khu vực Lô 05-2 và 05-3 nằm ở khu vực nước sâu xa bờ, điều kiện địa chất mỏ rất phức tạp, áp suất cao, nhiệt độ cao và hầu hết những giếng khoan thăm dò trước đây đều gặp sự cố phải hủy giếng do gặp khó khăn trong quá trình thi công. Do đó, để phát triển thành công dự án đòi hỏi phải nghiên cứu, phát triển công nghệ, đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc các lĩnh vực địa chất, công nghệ mỏ, phát triển, khoan, hoàn thiện giếng và vận hành khai thác hiệu quả các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp.
Phát triển dự án thành công và vận hành an toàn, liên tục, hiệu quả và đạt cường độ khai thác cao cho đến ngày hôm nay là thành tựu hết sức to lớn của ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó cũng là lý do mà cụm công trình nghiên cứu đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, nhằm vinh danh công trình khoa học công nghệ, kỹ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao và ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.
PV: Như ông vừa chia sẻ, có rất nhiều giải pháp khoa học công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng lần đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới trong dự án này. Ông có thể giải thích rõ hơn?
TS Ngô Hữu Hải: Đây là dự án khai thác dầu khí đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á có điều kiện áp suất rất cao (898 atm), nhiệt độ cao vượt ngưỡng (hơn 1870C) được đưa vào phát triển và khai thác thành công. Tại thời điểm thi công, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam (tổng khối lượng kết cấu lên tới hơn 70 nghìn tấn).
Để phục vụ dự án, chúng ta đã nghiên cứu công nghệ, thiết kế, xây dựng mới giàn tiếp trợ nửa chìm nửa nổi Semi-TAD 15K (khoan giếng áp suất cao, nhiệt độ cao) đầu tiên trên thế giới, lần đầu tiên hoạt động ở vùng nước sâu, cận sâu thềm lục địa Việt Nam. Chúng ta cũng đã nghiên cứu, thiết kế, chuyển đổi thành công hệ thống đầu giếng ngầm thân lớn sang hệ thống đầu giếng nổi thân lớn chịu được áp suất cao 15K psi và nhiệt độ cao 3500F đầu tiên trên thế giới; nghiên cứu, thí nghiệm, cải tiến kỹ thuật của hỗn hợp xi măng khô hệ Well-Life sử dụng cho giếng khoan nhiệt độ cao, áp suất cao đầu tiên trên thế giới. Việc thi công các ống chống và ống chống lửng cho cấu trúc giếng thân lớn để khoan tới được độ sâu cần thiết với điều kiện áp suất cao, nhiệt độ cao là loại đặc biệt, cũng là lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.
Song song với đó, chúng ta đã phát huy nội lực, phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ cao người Việt Nam để đảm nhiệm nhiều trọng trách thay thế các chuyên gia nước ngoài, làm chủ công nghệ trong công tác thi công giếng khoan đặc biệt phức tạp lần đầu tiên khoan tại Việt Nam.
Đây còn là dự án đầu tiên với hơn 90% khối lượng công việc được thực hiện trong nước, chủ yếu bởi các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí, trong đó có rất nhiều hạng mục là lần đầu tiên đối với ngành khoan và cơ khí chế tạo trong nước.
Thông qua dự án, chúng ta cũng đã khẳng định năng lực và kinh nghiệm về chế tạo, xây lắp, thiết kế và cơ sở hạ tầng bãi thi công, phương tiện lắp đặt ngoài khơi và năng lực quản lý một công trình biển giữ kỷ lục lớn nhất Việt Nam.
Người lao động BIENDONG POC
PV: Bên cạnh việc áp dụng thành công vào Dự án Biển Đông 01, cụm công trình nghiên cứu có giá trị đối với các dự án dầu khí khác không, thưa ông?
TS Ngô Hữu Hải: Những thành tựu nghiên cứu cũng như kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình thực hiện dự án đã được chia sẻ và áp dụng thành công và rất hiệu quả tại các doanh nghiệp khác trong nước suốt những năm qua, ví dụ: Công ty Idemitsu Kosan khoan thăm dò, phát triển các mỏ khí - condensate Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, nằm tại khu vực có điều kiện tương tự mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, đã đón dòng khí thương mại đầu tiên vào ngày 16-11-2020. Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) khoan một số giếng khoan thăm dò ở bể Sông Hồng. Vietgazprom khoan các giếng khoan ở khu vực nước sâu bể Phú Khánh. Rosneft khoan thành công các giếng thăm dò Lô 05-3/11 và Lô 06.1 ngay cạnh khu vực phát triển của BIENDONG POC...
Ngoài ra, chính nhờ những giải pháp, công nghệ của cụm công trình nghiên cứu này và những cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm tích lũy từ việc thực hiện thành công của Dự án Biển Đông 01 là tiền đề để đưa các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước lớn mạnh vượt bậc về khả năng, năng lực cạnh tranh, dẫn đến thành công trong đấu thầu quốc tế và triển khai các dự án EPCI ở nước ngoài. Trong những năm qua, Công ty Cơ khí hàng hải (PTSC M&C) - doanh nghiệp của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC), tổng thầu EPCI của Dự án Biển Đông 01 - đã trúng thầu và thực hiện hơn 23 dự án khác ở trong nước và ngoài nước với tổng giá trị hợp đồng hơn 600 triệu USD. Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PV Drilling) từ năm 2019 đến nay đã và đang thực hiện hợp đồng cung cấp giàn PV DRILLING V (giàn khoan đã khoan thành công 16 giếng cho Dự án Biển Đông 01) dài hạn cho Công ty Brunei Shell Petroleum, được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao, đã khẳng định nội lực và khả năng cạnh tranh quốc tế của PV Drilling cũng như giàn khoan nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K PVD-V.
Đến nay, BIENDONG POC đã khai thác an toàn, liên tục gần 17 tỉ m3 khí và hơn 25 triệu thùng condensate. Tổng doanh thu lũy kế của dự án tính đến ngày 31-3-2023 đạt hơn 4,66 tỉ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành 3,70 tỉ USD
PV: Theo đánh giá của ông, tập thể lao động quốc tế Việt - Nga BIENDONG POC đã trưởng thành như thế nào từ góc độ nghiên cứu khoa học trong những năm qua?
TS Ngô Hữu Hải: Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động khâu đầu, điều hành khai thác vùng mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh với điều kiện địa chất vô cùng phức tạp, BIENDONG POC là nơi đã đào tạo nên đội ngũ lao động đầy nhiệt huyết trong lao động, hăng say trong sản xuất, đi đầu trong các phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, giải pháp, xây dựng văn hóa làm việc “An toàn - Liên tục - Hiệu quả - Chuyên nghiệp - Tiết kiệm”.
Đặc biệt, việc áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật rộng rãi vào vận hành khai thác ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh góp phần to lớn vào nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý mỏ, gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, tiết kiệm chi phí, bảo đảm hoạt động khai thác an toàn, liên tục và hiệu quả.
Giai đoạn 2017-2022, BIENDONG POC đã có 16 sáng kiến trong lĩnh vực khai thác dầu khí (trên tổng số 25 sáng kiến, giải pháp được công nhận), với tổng giá trị làm lợi gần 25 triệu USD, góp phần vào sự phát triển của BIENDONG POC nói riêng, của Petrovietnam nói chung.
Những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học công nghệ của BIENDONG POC giai đoạn này có thể kể đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ; giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020; được ghi danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021; có 9 bài báo khoa học quốc tế, 31 bài báo khoa học trong nước. Trong toàn BIENDONG POC đã có 25 sáng kiến, giải pháp hữu ích ở các lĩnh vực khai thác dầu khí, chuyển đổi số, cơ khí chế tạo... với tổng giá trị làm lợi hơn 48 triệu USD.
Giai đoạn 2017-2022, BIENDONG POC đã có 16 sáng kiến trong lĩnh vực khai thác dầu khí (trên tổng số 25 sáng kiến, giải pháp được công nhận), với tổng giá trị làm lợi gần 25 triệu USD, góp phần vào sự phát triển của BIENDONG POC nói riêng, của Petrovietnam nói chung.
PV: Ông có thể chia sẻ quan điểm của ban lãnh đạo BIENDONG POC về công tác nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển của công ty?
TS Ngô Hữu Hải: Theo đà phát triển của cuộc CMCN 4.0 hiện nay, muốn thành công, chúng ta phải có con người 4.0, tư duy 4.0, hành động 4.0. Do đó, BIENDONG POC luôn động viên, khuyến khích, tạo cơ hội, tạo điều kiện cho tất cả CBNV tận dụng hết năng lực nghiên cứu, sáng tạo của mình để tiếp cận, vận dụng triệt để những thành tựu CMCN 4.0 vào công việc của từng cá nhân, từng bộ phận; đặt việc học tập, nghiên cứu, nâng cao tri thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công ty nhằm đào tạo những trụ cột trong tương lai, góp phần đưa ngành Dầu khí Việt Nam nâng lên tầm cao mới, đủ sức cạnh tranh với các công ty dầu khí trong khu vực và chinh phục thị trường dầu khí quốc tế.
Sau gần 4 năm áp dụng thành tựu của CMCN 4.0, BIENDONG POC đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác quản trị, điều hành, được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiên phong, là hình mẫu chuyển đổi số của Petrovietnam. BIENDONG POC cũng đã được tổ chức KPMG đánh giá độc lập với điểm số 3,1/5 về mức độ trưởng thành số. Đây là minh chứng cho hướng đi đúng đắn, hiệu quả của BIENDONG POC, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Petrovietnam cũng như xu hướng của thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Dự án Biển Đông 01, các giải pháp khoa học - công nghệ được nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công đã tiết kiệm chi phí và hiệu quả mang lại hơn 602,3 triệu USD, trong đó, tính riêng các giải pháp xây dựng mỏ là 467,9 triệu USD.
Nguồn: www.pvn.vn/
lên đầu trang