Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:42

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:01 ngày 29/06/2023

Chia sẻ kinh nghiệm, lợi ích trong phát triển điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp

Sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái giúp giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) tổ chức sáng 28/6.
Năng lượng tái tạo - giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng
Điện năng là nhu cầu cần thiết và không thể thiếu trong sản xuất công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Trong đó, bên cạnh việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thuỷ điện và nhiệt điện, giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đến hướng bổ sung từ năng lượng điện tái tạo như mặt trời, gió. Từ đó giúp phần nào đảm bảo an ninh cho sản xuất bền vững.
Trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi dễ triển khai lắp đặt ngay trên máy nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo
Tại Việt Nam, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, đại diện GreenYellow Việt Nam – Thành viên Tập đoàn năng lượng châu Âu – GreenYellow đã giới thiệu về “Giải pháp điện mặt trời 0 đồng cho doanh nghiệp” và các dự án GreenYellow Việt Nam đã hợp tác đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam cho ngành công nghiệp sản xuất.
Theo ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), buổi Hội thảo được tổ chức là rất thiết thực và kịp thời nhằm cụ thể việc hỗ trợ Hội viên tiếp cận rõ hơn về kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất, đồng thời lan toả tới cộng đồng và doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện định hướng của Đảng – Nhà nước và các cấp ngành trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương Hà Nội) - nhận định, miền Bắc đang trong giai đoạn thiếu điện, nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái được phát triển không giới hạn. Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng nguồn năng lượng này.
Cùng theo ông Nguyễn Khắc Văn, doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng.
Về lợi ích dài hơi, doanh nghiệp sản xuất sẽ được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch thứ nhất Tập đoàn N&G GROUP chia sẻ tại Hội thảo
“Năm 1996, khi tôi đến Israel, giữa sa mạc có một khách sạn 300 phòng, toàn bộ được sử dụng năng lượng mặt trời”, ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch thứ nhất Tập đoàn N&G GROUP chia sẻ và nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo cũng như phát triển điện mặt trời áp mái dùng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, nhu cầu về điện tăng gấp 3 lần và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Điện được làm từ nhiều nguồn gồm: Than, thủy điện, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió)….Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Dũng, để phát triển điện mặt trời mái nhà nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vẫn còn những vấn đề cần giải quyết như nguồn vốn vay để đầu tư, hay những chính sách cụ thể cho việc đầu tư này đối với các doanh nghiệp.
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) – nhận định, xu hướng hiện nay là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy. Trong đó, vấn đề chuyển đổi xanh và chuyển đổi chuỗi cung ứng từ nâu sang xanh đang là vấn đề được đặt ra trọng tâm và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến dịch net zero.
Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là cần thiết. Đây cũng là yếu tố nhằm tăng năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
"Xanh hóa” giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư xanh, nguồn vốn xanh. Đặc biệt, với các đối tác tại nhiều thị trường phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã và sắp được xem là bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng… sử dụng đạt tiêu chuẩn “xanh” thì chưa chắc có thể xuất khẩu được sang các thị trường khác như châu Âu", ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, bên cạnh việc hoàn thiện về pháp lý, hỗ trợ về thông tin, kiến thức, những doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm đại đa số thành viên của HANSIBA cũng cần được hỗ trợ về cơ chế tài chính, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, đất đai. Bởi xanh hóa sản xuất là một trong 3 nội dung quan trọng nhất của tăng trưởng xanh (gồm xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, xanh hóa tiêu dùng).

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị
Trong khuôn khổ của Hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết và trao biên bản thỏa thuận hợp tác (MoU) giữa GreenYellow và các doanh nghiệp hội viên HANSIBA.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang