Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 17:56

Chủ nhật, 28/04/2024 | 17:56

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 08:04 ngày 24/07/2023

Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 cho các doanh nghiệp Việt Nam

ISO 31000:2018 là một tiêu chuẩn quốc tế cung cấp các nguyên tắc, khung và quy trình quản lý rủi ro, có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp, tổ chức, bất kể quy mô hoặc lĩnh vực hoạt động. Áp dụng ISO 31000:2018 sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng đạt được các mục tiêu, cải thiện việc xác định các cơ hội và các mối đe dọa và phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để quản lý, xử lý rủi ro. 
Trên thực tế, mọi hoạt động trong các tổ chức, doanh nghiệp đều tiềm ẩn những rủi ro đe dọa đến mục tiêu phát triển của đơn vị. Vì thế, quản lý rủi ro là khái niệm không còn mấy xa lạ trong kinh doanh. Nhiệm vụ của quản lý rủi ro là giúp tổ chức, doanh nghiệp nhận diện, thực hiện những chương trình ngăn chặn, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát thông qua việc xem lại các hợp đồng và tài khoản liên quan nhằm quản lý rủi ro; cung cấp việc huấn luyện an toàn lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện quản lý rủi ro cũng nhằm đảm bảo tuân theo những yêu cầu của Chính phủ liên quan đến sắp xếp những kế hoạch tài trợ phi bảo hiểm; quản lý các khiếu nại và làm việc với đại diện pháp lý khi có kiện tụng; thiết kế và phối hợp hình thành những chương trình phúc lợi công nhân…Chính vì vậy, tháng 11/2009, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành ISO 31000 - tiêu chuẩn về quản lý rủi ro với mục đích giúp tất cả các doanh nghiệp, tổ chức quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức áp dụng tiêu chuẩn quản lý rủi ro ISO 31000 vào hoạt động và đã mang lại hiệu quả thiết thực. (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Tạp chí tài chính)
Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức áp dụng tiêu chuẩn quản lý rủi ro ISO 31000 vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, khó khăn trong việc sử dụng các nguyên tắc quản lý của ISO 31000. Do đó, trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp đến năm 2020 (Quyết định 712/QĐ-TTg), Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) đã được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 cho các doanh nghiệp Việt Nam". Đây là nhiệm vụ cấp Quốc gia do Th.S Ngô Văn Mạc, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông TCĐLCL làm chủ nhiệm.
Nhiệm vụ có mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhận thức đúng vai trò của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000 trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 sẽ giúp các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc phát hiện các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để ứng phó sớm các rủi ro nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi rủi ro xảy ra thông qua việc triển khai các giải pháp ứng phó đã được chuẩn bị trước.
Hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 cũng giúp các bộ phận của doanh nghiệp sẽ tự nhận diện rủi ro của mình và thông tin cho bộ phận quản lý rủi ro trên bảng đăng ký rủi ro (Risk register). Điều này giúp ban Giám đốc có cái nhìn toàn diện về các rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt thông qua bảng đăng ký rủi ro này. Tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện ngay từ giai đoạn lập kế hoạch. Việc xác định được rủi ro ngay từ đầu sẽ giúp phát hiện sớm các sự cố, có giải pháp dự phòng và làm giảm chi phí, và thời gian cho doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ tháng 2/2019 đến tháng 2/2020, Th.S Ngô Văn Mạc và các cộng sự đã tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000 cho 300 doanh nghiệp thuộc các ngành điện – điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, sản xuất nông nghiệp khu vực Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, đào tạo triển khai áp dụng ISO 31000 cho khoảng 60 cán bộ doanh nghiệp thuộc các ngành điện – điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, sản xuất nông nghiệp trên cả nước.
Đồng thời, nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng chịu trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn áp dụng thành công ISO 31000 cho 10 doanh nghiệp thuộc các ngành nêu trên. Hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 vào doanh nghiệp để chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát và hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi các rủi ro xảy ra. Từ đó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng trưởng và phát triển.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm cũng đã xây dựng được sổ tay hướng dẫn thực hành áp dụng ISO 31000 cho 4 nhóm ngành điện - điện tử, cơ khí chế tạo; chế biến thực phẩm; sản xuất nông nghiệp theo đặc trưng của từng ngành; đã hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro lồng ghép với kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. Việc thực hiện nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng; các sản phẩm của nhiệm vụ đầy đủ đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Các doanh nghiệp Việt Nam được coi là trái tim của nền kinh tế đất nước. Với hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu lao động, và đóng góp tỷ trọng lớn trong cán cân thương mại của cả nước, khối doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro về chiến lược, tri thức, tài chính, cung ứng, công nghệ, thị hiếu, an toàn thực phẩm… trong quá trình vận hành.
Do đó, việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 được coi là phương pháp mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp, phương pháp này không chỉ giúp kiểm soát và chế ngự mọi nguy cơ, tối thiểu hóa rủi ro mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, đây chính là điều kiện tiên quyết để hướng đến sự phát triển bền vững trong kinh doanh. 
Tố Uyên
lên đầu trang