Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 23:00

Chủ nhật, 28/04/2024 | 23:00

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:39 ngày 09/08/2023

Bộ Công Thương nghiệm thu nhiệm vụ quỹ gen năm 2022 do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chủ trì thực hiện

Ngày 04 tháng 8 năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen cấp Bộ năm 2022 do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chủ trì thực hiện.
Theo đó, Hội đồng tư vấn, đánh giá đã nghiệm thu hai nhiệm vụ là: “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu” do TS. Lê Công Nông làm chủ nhiệm và “Thu thập đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu” do ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư làm chủ nhiệm.
Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ quỹ gen năm 2022 do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu)
Đối với nhiệm vụ “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu”, trong thời gian thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, nhiệm vụ đã lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng 51 giống dừa, 03 giống Phi long, 86 giống jatropha, 21 giống cây tinh dầu.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đã tiến hành lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp bảo quản hạt trung hạn (179 giống lạc, 93 giống vừng, 111 giống đậu tương). Kết quả cho thấy, tỷ lệ nảy mầm của các mẫu giống đều đạt trên 70%. Đáng chú ý, nhiệm vụ còn thực hiện trẻ hóa 20 nguồn gen, bao gồm 07 giống lạc, 06 giống vừng và 07 giống đậu tương. Kết quả, độ thuần các mẫu giống sau khi trẻ hóa đạt trên 98%, tỷ lệ nảy mầm trên 85%.
Ngoài ra, nhiệm vụ đã giới thiệu 40 giống lạc; 50 giống vừng và 11 giống dừa trong tập đoàn quỹ gen phục vụ công tác nghiên cứu tuyển chọn giống của các đề tài cấp Bộ Công Thương giai đoạn 2019-2025.
Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây đậu tương. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu)
Cũng trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu còn thực hiện nhiệm vụ “Thu thập đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu”. Báo cáo tại buổi nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã thu thập, bổ sung được 03 mẫu giống cây nguyên liệu dầu gồm 01 giống lạc, 01 giống vừng và 01 giống đậu tương tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, nhóm đã thực hiện đánh giá sơ bộ, chi tiết và xây dựng cơ sở dữ liệu cho 20 mẫu giống hiện có trong tập đoàn và mới thu thập (07 giống Jatropha, 05 giống lạc, 04 giống vừng và 04 giống đậu tương) với đầy đủ các chỉ tiêu theo Quyết định số 9796a/QĐ-BCT ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt danh mục tạm thời các chỉ tiêu đánh giá nguồn gen thuộc nhiệm vụ quỹ gen cấp Bộ.
Thu thập, đánh giá nguồn gen cây lạc. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu) 
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đã nhận xét, đánh giá một cách khách quan về tính cấp thiết, bố cục, nội dung và hình thức của các nhiệm vụ; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để các chủ nhiệm nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện lại các báo cáo.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng, PGS.TS. Trịnh Xuân Vũ –  Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các nhiệm vụ đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Các nhiệm vụ cũng đã triển khai đầy đủ các nội dung công việc, kết quả của các nhiệm vụ đều đạt mục tiêu đề ra; số lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm đều đạt và vượt so với hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương.
Với số phiếu đánh giá Đạt 100%, cả hai nhiệm vụ quỹ gen do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua.
Tính đến hết năm 2022, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thu thập, đánh giá và bảo tồn 518 nguồn gen cây nguyên liệu dầu, trong đó gồm có 51 mẫu giống cây dừa, 3 mẫu giống cây phi long, 86 mẫu giống cây jatropha, 177 mẫu giống lạc, 91 mẫu giống vừng, 110 mẫu giống đậu tương. Các nguồn gen cây có dầu dài ngày (dừa, phi long, jatropha) đang bảo quản trên đồng ruộng tại Trung tâm Dừa Đồng Gò (Bến Tre) và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng (Tây Ninh). Các nguồn gen cây có dầu ngắn ngày (lạc, vừng, đậu tương) đang bảo quản trong kho lạnh trung hạn tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Một số nguồn gen đã được đưa vào khai thác và phục vụ hiệu quả trong sản xuất.
Hà Nguyễn
lên đầu trang