Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 19:09

Thứ hai, 29/04/2024 | 19:09

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:58 ngày 17/08/2023

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô: Nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu cấp thiết của ngành giấy

Các định hướng, kế hoạch nghiên cứu khoa học giai đoạn 2020 – 2025 của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô tập trung vào các yêu cầu cấp thiết của thực tế sản xuất, kinh doanh của Viện và các doanh nghiệp trong ngành giấy.
Chiều ngày 16/8/2023, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô nhằm trao đổi tình hình hoạt động, kết quả đạt được của Viện trong thời gian qua và đề xuất, định hướng các kế hoạch của Viện trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc, về phía Vụ Khoa học và Công nghệ có ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng cùng các chuyên viên của Vụ. Về phía Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cố TS. Cao Văn Sơn - Viện trưởng cùng đại diện các phòng, ban, các cán bộ của Viện.
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô được thành lập ngày 05/02/1969 theo Quyết định số 24/CP của Hội đồng Chính phủ. Là đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực công nghiệp giấy trực thuộc Bộ Công Thương, Viện luôn quan tâm chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao nhiều công nghệ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành.
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những đóng góp của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô trong thời gian qua. (Ảnh: Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô)
Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Cao Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã khái quát kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của Viện giai đoạn 2018-2022. Theo đó, Viện đã nghiên cứu được một loạt các công nghệ mới, sản phẩm mới có khả năng ứng dụng cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho Viện cũng như cho các doanh nghiệp trong ngành. 
Dẫn chứng về một trong những kết quả đã đạt được, TS. Cao Văn Sơn cho biết: "Viện đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, cải tạo dây chuyền thiết bị để sản xuất giấy bao gói thực phẩm dạng khô công suất 3 tấn/ngày trên cơ sở dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện. Sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô được sản xuất lần đầu tiên tại Việt Nam, chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonecia, Ấn độ, Hàn Quốc nhưng giá thành chỉ bằng 2/3 giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô được sử dụng nhiều trong bao gói các thực phẩm có dính dầu mỡ có nguồn gốc thực vật và động vật."
Bên cạnh các kết quả đạt được về mặt khoa học và công nghệ, trong giai đoạn 2016-2020, Viện đã xây dựng được mối quan hệ sâu, rộng với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành như phối hợp với Công ty CP Giấy Vạn Điểm thực hiện dự án cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylate và ứng dụng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp” thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. 
TS. Cao Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô báo cáo tình hình hoạt động của Viện trong giai đoạn 2018-2022. (Ảnh: Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô)
Ngoài ra, để tăng cường cơ sở vật chất, năng lực nghiên cứu, thử nghiệm và giám định, TS. Cao Văn Sơn cho hay, Viện đã cải tạo nâng cấp dây chuyền sản xuất giấy tại xưởng thực nghiệm, nâng công suất lên tới 3 tấn/ngày trên cơ sở dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện. Bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua các nhiệm vụ KHCN, dự án sản xuất, Viện cũng đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, nâng cao năng lực thử nghiệm và giám định các sản phẩm về giấy, bột giấy, nguyên liệu sản xuất giấy, bột giấy của Viện. Từ 2018 - 2020, Viện đã xây dựng được 01 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 (mã số VILAS 1051) về lĩnh vực giấy, bột giấy và các sản phẩm có liên quan.
Trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2023-2025 và tới 2030, TS. Cao Văn Sơn cũng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục ủng hộ kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện cũng như ủng hộ việc xây dựng Đề án“Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ ngành công nghiệp Giấy đến năm 2030” mà Viện đã và đang tham gia xây dựng. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thông qua kinh phí của các đề tài và dự án.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Tấn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô)
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có những ý kiến phân tích tình hình hoạt động của Viện trong thời gian qua, đánh giá chi tiết những kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động. Trên cơ sở đó, thảo luận những đề xuất, định hướng của Viện trong thời gian tới. 
Kết luận tại buổi làm việc, Vụ trưởng Lý Quốc Hùng ghi nhận những kết quả và đóng góp của Viện trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, Vụ trưởng cũng đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ đối với Viện trong giai đoạn tiếp theo khi ngành Công Thương đẩy mạnh việc thực hiện quá trình tái cơ cấu với định hướng lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Buổi làm việc diễn ra tại Trụ sở Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô. (Ảnh: Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô)
Trong giai đoạn đến năm 2030 các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô tập trung vào 07 hướng trọng tâm chính như sau:
1. Ứng dụng CNSH trong sản xuất bột giấy và giấy
2. Sản xuất bột giấy từ nguồn nguyên liệu phi gỗ
3. Lĩnh vực  sản xuất giấy kỹ thuật
4. Phát triển các sản phẩm phụ trợ cho ngành giấy
5. Nghiên cứu, ứng dụng các vật liệu từ cellulose
6. Lĩnh vực bảo vệ môi trường
7. Tiếp tục tham gia xây dựng các biện pháp kỹ thuật phù hợp (quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp) với Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bột giấy và giấy đáp ứng  yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
Tố Uyên
lên đầu trang