Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 20:51

Thứ ba, 30/04/2024 | 20:51

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:05 ngày 15/09/2023

Nhiều địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh ATTP Tết Trung thu 2023

Tết Trung thu đang đến gần, để tránh việc người tiêu dùng mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nhiều địa phương đã tăng cường các tổ công tác kiểm tra tại chỗ.
Là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP dịp Tết Trung thu 2023, thành phố Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều dịp Tết Trung thu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, sản phẩm bánh trung thu trên địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.
Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2023. (Ảnh: Báo Công Thương)
Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các cơ sở nhập khẩu bánh trung thu phải thực hiện việc tự công bố sản phẩm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành có liên quan.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp Tết Trung thu. Tìm hiểu kỹ, lựa chọn, nhận biết và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh ATTP. Khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình.
Tại Hưng Yên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập 02 tổ lấy mẫu hậu kiểm về chất lượng ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 01 tổ giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2023. Để thực hiện có hiệu quả, các tổ xây dựng kế hoạch và triển khai công tác giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, kiểm tra chất lượng ATTP; lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu gồm bánh nướng, bánh dẻo, nước ngọt, bánh kẹo, thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả… tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Hưng Yên tổ chức lấy mẫu giám sát đảm bảo ATTP. (Ảnh: vfa.gov.vn)
Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức in ấn, cấp phát tờ rơi tuyên truyền đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu 2023 với nội dung: "Hướng dẫn lựa chọn bánh Trung thu bảo đảm ATTP và Hướng dẫn kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm", nhằm khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp Tết Trung thu. Tuyên truyền người dân tìm hiểu kỹ, lựa chọn, nhận biết và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh ATTP. 
Tại Thái Bình, để phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, dịch vụ ăn uống tập trung đông người và tiêu dùng các loại bánh, kẹo nhất là bánh trung thu có xu hướng tăng cao dịp tết Trung thu, trong tháng 9 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn ATTP sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực ngành y tế, công thương và nông nghiệp quản lý.
Lực lượng chức năng Thái Bình kiểm tra việc bảo quản, sử dụng chất phụ gia trong sản xuất bánh Trung thu. (Ảnh: Báo Thái Bình)
Hoạt động kiểm tra nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, cảnh báo hành vi vi phạm về ATTP; hạn chế ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; đề xuất việc kiểm tra tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật, kiến thức về bảo đảm ATTP cho người trực tiếp chế biến, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tại Hà Tĩnh, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh cũng đã tăng cường các đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là bánh trung thu trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra bao gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; quy định về nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết Trung thu như: bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm... 
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) Hà Tĩnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Thạch Hà. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các chủ kinh doanh thực phẩm cần tiếp tục thường xuyên kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc nhập hàng, bảo quản thực phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất, đảm bảo chất lượng ATTP... Đồng thời, khuyến cáo người dân khi mua hàng cần lựa chọn các mặt hàng có thương hiệu, bao bì, nhãn mác rõ ràng, kiểm tra kỹ hạn sử dụng... 
Tại TP. Hồ Chí Minh, các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng tăng cường phối hợp với đại diện chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, chứng từ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm…
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra thực phẩm tại chợ An Đông (Ảnh: Báo tin tức)
Tại Long An, để đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong dịp tết Trung thu, tỉnh Long An cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Trung thu. Tại các cơ sở, Đoàn sẽ kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất; nhãn mác thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, giá niêm yết.
Kiểm tra sản phẩm bánh Trung thu tại Long An (Ảnh: la34.com.vn)
Ngoài kiểm tra, Đoàn kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cho các chủ cơ sở sản xuất trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu.
Việc tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác đảm bảo ATTP của các địa phương đóng vai trò quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, qua đó nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh để xảy ra các trường hợp đáng tiếc về ngộ độc thực phẩm đối với người dân.
Để có một mùa Trung thu đầy ý nghĩa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chúng ta cần thực hiện:
1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
- Trang thiết bị dụng cụ phải đảm bảo vệ sinh; gửi mẫu kiểm nghiệm định kỳ, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ đầy đủ.
- Lựa chọn nguyên liệu chế biến có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
- Sử dụng bao bì thực phẩm sạch sẽ, an toàn, ghi/ in đầy đủ thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng, số công bố sản phẩm, cách bảo quản sản phẩm thực phẩm.
- Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu phải đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, cần bảo quản bánh nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ; tuyệt đối không được bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc; người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ đầy đủ.
2. Đối với người tiêu dùng
- Nên chọn mua bánh Trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
- Khi sử dụng cần quan sát màu sắc bên trong, mùi vị đặc trưng của bánh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng nên hợp tác, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nơi gần nhất để đề phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Minh Khuê t/h
lên đầu trang