Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 02:25

Thứ hai, 29/04/2024 | 02:25

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:58 ngày 26/01/2024

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Phát huy thế mạnh, mở rộng các hướng nghiên cứu mới

Năm 2024, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực nhiệt điện khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tự động hóa.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề tài nghiên cứu
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của hậu Covid-19 và các cuộc xung đột địa chính trị, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại dẫn đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh của các đơn vị nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí giới thiệu một số thành quả nghiên cứu của Viện với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Vượt qua các khó khăn đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) vẫn duy trì hoạt động bền vững với các định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn liền với hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực nhiệt điện, bô xít, xi măng, đồng thời mở ra các hướng phát triển mới trong lĩnh vực điện khí, điện mặt trời, năng lượng tái tạo, nhà kho thông minh, thiết bị ngành hóa chất... từ đó gây dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước.
Hiện, Viện đang triển khai đúng tiến độ đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cho các khu vực ven biển, hải đảo Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng thời, đang thẩm định và hoàn thiện hồ sơ sau khi thẩm định kinh phí cho 2 đề tài cấp Bộ thực hiện trong năm 2024 gồm: Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cút cong có lớp lót chịu mài mòn từ vật liệu castbasalt dùng cho các hệ đường ống vận chuyển vật liệu bột có tính mài mòn cao”; Đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy in 3D kim loại ứng dụng cho sản xuất chi tiết cơ khí”.
Ngoài ra, đã đề xuất và được Hội đồng xác định nhiệm vụ của Bộ Công Thương chấp nhận đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị nhà máy điện khí”.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, trong năm 2023, Viện tiếp tục xây dựng các đề tài khoa học và công nghệ các cấp bám sát các chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và định hướng công việc của Viện như: Thiết bị nhiệt điện than, điện mặt trời, công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất bô xít nhôm, xử lý chất thải công nghiệp; chế tạo mới hoặc thay thế phục hồi các thiết bị trong các ngành công nghiệp xi măng, hóa chất….
“Chất lượng các chuyên đề và đề tài đã tổ chức nghiệm thu trong năm 2023 đều được đánh giá là đạt yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, Viện đã tổ chức giám sát chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, chất lượng và nội dung đăng ký theo đúng quy trình, quy định của nhà nước và của Viện” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực nhiệt điện khí, năng lượng mới
Trong hơn 60 năm qua, NARIME luôn xác định và coi hoạt động khoa học và công nghệ là trọng tâm, hiệu quả trong hoạt động kinh tế đạt được đều dựa trên cơ sở của việc nghiên cứu khoa học công nghệ. Viện luôn chủ trương gắn liền hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ với các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước. Đặc biệt, Viện đã đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại Hội nghị cán bộ, viên chức Viện nghiên cứu Cơ khí năm 2023 - 2024
Đơn cử, NARIME đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW).
Trong xu thế hiện nay, NARIME đã nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số đã thể hiện sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm khoa học và nâng cao không ngừng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ví dụ, Viện đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại doanh nghiệp logistics. Hệ thống phân loại sản phẩm tự động này có thể hoạt động liên tục trên ca làm việc 8 giờ/ngày, ghi nhận năng suất khoảng 7.500 sản phẩm/giờ (tương ứng khoảng 60.000 sản phẩm/ngày)…
Trong năm 2024, Viện sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực nhiệt điện khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tự động hóa nhằm bảo đảm cho Viện có lợi thế về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo uy tín cho Viện trên thị trường và tập trung được nguồn lực cho các dự án khi cần thiết.
Năm 2024, Viện tiếp tục định hướng trọng tâm hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện là các lĩnh vực chính như: Thiết kế và cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, hệ thống thiết bị cho khai thác và chế biến khoáng sản - bauxit, hóa chất, đồ gá và thiết bị trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy, nhà kho thông minh…” - TS. Phan Đăng Phong cho hay.
Đồng thời, tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển mảng công việc truyền thống như cung cấp phụ tùng thay thế, dịch vụ bảo hành, bảo trì, cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, hóa chất… Tăng cường tìm hiểu về công nghệ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số cũng như dây chuyền công nghệ của các nhà máy công nghiệp, trên cơ sở đó vận dụng đưa vào thực tế trong việc tư vấn và triển khai việc nâng cấp và chuyển đổi số cho các hệ thống giám sát, điều khiển … của các nhà máy công nghiệp.
Từng bước tiếp cận, mở rộng hoạt động thiết kế, cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ; thiết bị, phụ tùng cho các ngành, lĩnh vực mới từ sản xuất nông nghiệp đến sản xuất hàng công nghệ cao trong nước và có định hướng đến xuất khẩu.
Viện Nghiên cứu Cơ khí đã xây dựng và trình Bộ Công Thương đề án Chiến lược phát triển Viện giai đoạn 2023-2030 tầm nhìn 2045, trong đó nêu rõ định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực như năng lượng mới và năng lượng tái tạo, cùng với đó là tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng, hóa chất…
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang