Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 14:14

Thứ bảy, 27/04/2024 | 14:14

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:06 ngày 26/03/2024

Hội thảo quốc tế “Độc tố nấm mốc trong thực phẩm và chiến lược giảm thiểu độc tố nấm mốc” năm 2024

Vừa qua, trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình Hội thảo quốc tế “Độc tố nấm mốc trong thực phẩm và chiến lược giảm thiểu độc tố nấm mốc” năm 2024.
Hội thảo có sự tham gia của các khách mời đến từ  Sở an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; đại diện các trường Đại học, các viện, công ty, doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất về lĩnh vực thực phẩm. Cùng các thầy cô giáo và hơn 300 bạn sinh viên của khoa Công nghệ thực phẩm trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Các khách mời tham gia hội thảo là các diễn giả hàng đầu từ cả trong và ngoài nước cũng như tiếp cận với những kiến thức mới nhất và các phương pháp tiên tiến nhằm giảm thiểu rủi ro từ độc tố nấm mốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Do đó, Hội thảo được kỳ vọng sẽ cung cấp cho giảng viên và sinh viên những thông tin và phương pháp mới nhất trong lĩnh vực thực phẩm nhằm cải thiện kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, thông qua việc tiếp xúc và giao lưu với các chuyên gia hàng đầu, họ cũng có cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra những cơ hội hợp tác và nghiên cứu mới trong tương lai.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: HUIT)
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự nguy hiểm của độc tố nấm mốc trong thực phẩm. Điều này đặt ra một thách thức lớn về việc đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy hy vọng trong hội thảo ngày hôm nay dưới sự hỗ trợ của hiệp hội Mycotoxins quốc tế sẽ tìm kiếm các chiến lược, phương pháp mới để giảm thiểu rủi ro từ độc tố nấm mốc trong thực phẩm cũng như thảo luận về các biện pháp kiểm soát, quản lý chất lượng và cách tiếp cận khoa học để ngăn chặn sự lan truyền nhiễm của nấm mốc và độc tố trong chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như thức ăn chăn nuôi để đảm bảo rằng thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày cũng như thức ăn chăn nuôi luôn an toàn và lành mạnh.
Tại Hội thảo, một số chuyên gia trong nước đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu đã chia sẻ nhiều đề tài hữu ích xoay quanh chủ đề nấm độc như: Độc tố nấm mốc trong thức ăn và biện pháp kiểm soát; Kiểm soát dư lượng Thuốc BVTV và độc tố nấm trong quá trình canh tác và chế biến gạo tại Tập Đoàn Lộc Trời; ác bệnh trên quả nhiệt đới sau thu hoạch và các biện pháp xử lý;...
ThS. Võ Công Thức -  trường Đại học Công nghệ Sài Gòn trình bày đề tài “Kiểm soát dư lượng Thuốc BVTV và độc tố nấm trong quá trình canh tác và chế biến gạo tại Tập Đoàn Lộc Trời”. (Ảnh: HUIT)
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm, tham gia chia sẻ của các diễn giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, với các nội dung xoay quanh các đề tài như: “Xác định multi-mycotoxin và đánh giá phơi nhiễm trong các loại thực phẩm tại Thái Lan”; “Trung tâm đào tạo về độc tố nấm mốc: Từ nghiên cứu đến đào tạo ứng dụng để giảm thiểu độc tố nấm mốc”- TS. Carol Verheecke - Giảng viên Trường ĐH Canfield ( Anh), GS. TS. Sarah De Saeger - Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về Mycotoxicity, Giảng viên trường ĐH Ghent, Bỉ; hay như đề tài “Những điểm mới và thách thức trong phân tích độc tố nấm mốc (sinh học): từ sàng lọc nhanh đến nghiên cứu phơi nhiễm ở người”.
Hội thảo không chỉ là một diễn đàn để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia, mà còn tạo cơ hội tiếp thu và hướng dẫn quý báu cho các bạn sinh viên. Qua đó, các bạn có cơ hội tiếp cận những thông tin mới nhất và các phương pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực thực phẩm. Hy vọng rằng, những kiến thức mang lại từ hội thảo sẽ giúp các giảng viên và các bạn sinh viên phát triển và trở thành những chuyên gia thực phẩm xuất sắc trong tương lai. Đặc biệt, hy vọng rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có tổ chức Chi Hội Độc Tố Nấm (Vietnam Subsociety of Mycotoxicology) để đẩy mạnh các nghiên cứu trong lĩnh vực này ở Việt Nam giúp thực phẩm Việt Nam an toàn cho người tiêu dùng.
Tuệ Lâm
lên đầu trang