Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 01:46

Thứ ba, 30/04/2024 | 01:46

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:36 ngày 08/04/2024

Viện KHCN Mỏ - Vinacomin: Dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ khai thác hầm lò

Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực công nghệ khai thác hầm lò bằng nhiều thành tựu ấn tượng.​
Là một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong thời gian qua, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã có những hoạt động tích cực trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Theo đó, Viện đã phối hợp với các đơn vị trong ngành đưa vào áp dụng thành công nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực khai thác hầm lò, góp phần nâng cao trình độ công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam.
Cụ thể, từ những kinh nghiệm đã được tích lũy, trong giai đoạn 2017 - 2022, lĩnh vực công nghệ khai thác hầm lò đã tập trung vào nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao công nghệ mới, cơ giới hóa (CGH) đồng bộ khai thác, từ các đối tượng vỉa dày dốc đến 35 độ (công nghệ khai thác khấu lớp trụ hạ trần than nóc), các vỉa dày trung bình, vỉa mỏng, dốc đến 35 độ (khai thác toàn bộ chiều dày vỉa), đến các vỉa dày trung bình, dốc, trên 55 độ (công nghệ khai thác chia cột theo hướng dốc, khâu than bằng máy bào, sử dụng tổ hợp giàn chống 2ANSH).
Cùng với những lò chợ CGH đồng bộ, nhiều lò chợ áp dụng CGH ở mức độ thấp hơn cũng được triển khai rộng khắp, như áp dụng chống lò bằng giàn chống tự hành loại KDT-1, KDT-2 khai thác các vỉa dày dốc nghiêng đến dốc đứng, trong công nghệ khai thác lò dọc vỉa phân tầng, chia lớp ngang-nghiên, nổ mìn trong lỗ khoan dài; các lò chợ chống giữ bằng giá thủy lực di động, giá khung, giá xích, khai thác hầu hết các đối tượng vỉa, dốc đến 45 độ. Đặc biệt, từ năm 2015, đã thử nghiệm thành công công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm có cơ cấu thủy lực, khai thác các vỉa dày trung bình, dốc trên 45 độ. Đến nay, công nghệ này đã được nghiên cứu hoàn thiện và nhân rộng áp dụng tại hầu hết các đơn vị trong và ngoài TKV để khai thác vỉa than dốc trên 45 độ, chiều dày đến 6m.
Khai thác hầm lò tại mỏ than Mạo Khê (Ảnh: https://petrotimes.vn/)
TS. Đào Hồng Quảng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin cho biết, năm 2019 - 2020, công cuộc đổi mới phát triển công nghệ khai thác CGH đồng bộ tiếp tục đạt thành tựu nổi bật với việc đưa vào vận hành thử nghiệm thành công mô hình lò chợ CGH đồng bộ hạng nhẹ này sử dụng đồng bộ thiết bị có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ thuận tiện cho tháo lắp, vận chuyển nên được đánh giá phù hợp, thích ứng cao với điều kiện mỏ hầm lò có quy mô nhỏ hoặc trung bình, mở ra triển vọng phát triển nhân rộng cho hầu hết các đơn vị hầm lò vùng Quảng Ninh. Bên cạnh đó, là những thành tựu trong việc chuyển giao áp dụng công nghệ khai thác trong điều kiện địa chất phức tạp, như vách cứng, khó sập đổ, vỉa biển động lớn về chiều dày, góc dốc. Hiện nay, Viện đang hợp tác với các đơn vị tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các giải pháp CGH khai thác vỉa dốc, CGH khai thác trong điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phức tạp, nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác chèn lò dưới câc công trình cần bảo vệ trên bề mặt địa hình; nghiên cứu áp dụng các giải pháp khai thác trong điều kiện than có tính tự cháy, khai thác vỉa than phân bố sâu có áp lực mỏ lớn và độ chứa khí cao...
Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng mỏ thời gian gần đây chủ yếu tập trung vào đổi mới công nghệ, tăng cường mức độ cơ giới hóa đào lò, đẩy mạnh áp dụng các loại vì neo (đặc biệt là neo cáp và neo composite) nhằm tăng tốc độ đào lò, nâng cao mức độ an toàn và giảm giá thành. Bên cạnh đó, các vấn đề gia cường khối đá, lựa chọn kết cấu chống phù hợp cho các đường lò thi công trong điều kiện địa chất phức tạp, áp lực mỏ lớn cũng được quan tâm nghiên cứu và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Vấn đề nâng cao hiệu quả nổ mìn đào lò đá cũng được tiếp cận trở lại với các giải pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp hơn.
Cũng theo TS. Đào Hồng Quảng, với mục tiêu đưa các kết quả nghiên cứu về công nghệ vào các dự án đầu tư xây dựng mỏ mới, mở rộng, nâng công suất các mỏ, từ năm 2003, Viện đã bước đầu tiếp cận lĩnh vực này. Đến nay, nhiều thành tưu về lĩnh vực tư vấn, thiết kế đã được ghi nhận, bao gồm: Lập Dự án mỏ than Núi Béo, Khe Chàm II-IV, Khe Tam, Nam Khe Tam, Hồng Thái, Đông Vàng Danh, Đồng Vông, Cổ Kênh, mỏ Đồng Vi Kẽm, Núi Pháo...Hiện nay, Viện đã hoàn thiện toàn bộ lập dự án, thiết kế xây dựn mỏ hầm lò Núi Béo có công suất 2 triệu tấn/năm và được chủ đầu tư thi công đưa công trình vào sử dụng từ tháng 12 năm 2021 đảm bảo an toàn và hiệu quả. Với mỏ Khe Chàm II-IV có công suất 3,5 triệu tấn/năm, Viện đã tự lập thiết kế giếng đứng thông gió mỏ Khe Chàm II-IV, đây là giếng đứng đầu tiên do người Việt Nam tự thực hiện. Bên cạnh đó, Viện đã thực hiện thẩm tra Dự án, thiết kế các mỏ: Ngã Hai, Mạo Khê, Khe Chàm III, Hà Lầm, Tràng Khê, Bình Minh, Suối Lại, Bắc Quảng Lợi, Nam Khe Tam...Giams sát thi công mỏ Hồ Thiên, Khe Chuối, Mạo Khê, Tư vấn quản lý dự án đầu tư hệ thống điều vận, giám sát, thông tin liên lạc Công ty Than Quang Hanh.
Thực tiễn đã chứng minh, việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác. Vì vậy, triển khai áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong khai thác và đào lò là hướng đi đúng, vừa hạn chế tăng số lượng công nhân khai thác nhưng vẫn đáp ứng việc tăng sản lượng than khai thác theo quy hoạch.
Hà Nguyễn

lên đầu trang