Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 03:04

Thứ ba, 30/04/2024 | 03:04

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:56 ngày 11/04/2024

Viện Công nghiệp thực phẩm: Tăng giá trị cho nông sản Việt từ ứng dụng công nghệ sinh học

Công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến phân phối nông sản. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp mở ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết “bài toán” đầu ra và tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.
Là một đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Viện Công nghiệp thực phẩm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ sinh học và giám định an toàn thực phẩm. Xác định khoa học và công nghệ là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, thông qua việc thực hiện các đề tài khoa học công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm được Bộ Công Thương giao, Viện đã tích cực nghiên cứu khoa học, tìm ra nhiều công nghệ giúp gia tăng giá trị cho các loại nông sản Việt Nam.
Cụ thể, với mong muốn tận dụng tối đa vùng nguyên liệu trái vả trong nước, TS. Võ Tấn Hậu cùng các cộng sự tại Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến bột trà hòa tan từ trái Vả (Ficus auriculata) tại tỉnh Thừa Thiên-Huế”. TS. Hậu cho biết, sau hai năm nghiên cứu, nhóm đã sản xuất thành công sản phẩm bột trà hòa tan giàu polyphenol từ trái vả.
Cây vả (Ficus auriculata) được trồng nhiều nhất là ở vùng miền Trung với sản lượng khoảng 100 tấn mỗi năm với giá bán khá rẻ. Do đó, việc sản xuất thành công sản phẩm bột trà hòa tan từ nguyên nguyên liệu trái vả góp phần đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái vả phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu.
Sản phẩm trà lá sen túi lọc và trà lá sen hoà tan (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm trà và bột dinh dưỡng từ cây tam giác mạch Hà Giang”. Với các nguyên liệu như: nửa thân trên của cây tam giác mạch, hạt tam giác mạch; Maltose, glucose, tinh bột biến tính; Gạo nếp, đậu xanh và vừng trắng đã bóc vỏ, muối; bột vi chất dinh dưỡng,.. ThS. Lê Bình Hoằng – Chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn và sử dụng công nghệ trích ly và sấy phun để cho ra đời các sản phẩm từ cây tam giác mạch. Các sản phẩm gồm trà hòa tan tam giác và bột dinh dưỡng tam giác mạch được sản xuất đều đạt chất lượng tốt về mặt cảm quan và an toàn thực phẩm. Trà có trạng thái bột mịn, tơi xốp, bột trà tan hoàn toàn trong nước, màu sắc của dịch trà vàng nhạt trong, có vị hơi đắng chát, hậu vị ngọt; Bột dinh dưỡng tam giác mạch có trạng thái tơi xốp, màu sắc trắng ngà, có mùi thơm và vị đặc trưng của tam giác mạch.
Thông qua đề tài này, Viện Công nghiệp thực phẩm kỳ vọng không chỉ đem đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng mà còn tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc vùng cao tại tỉnh Hà Giang.
Đáng chú ý là dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm đồ uống thảo mộc từ lá sen” do ThS. Phạm Thu Trang làm chủ nhiệm. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất trà lá sen túi lọc và trà lá sen hòa tan. Với trà lá sen túi lọc, sản phẩm có màu nước xanh, có hương thơm tự nhiên của lá sen. Trong khi đó, sản phẩm trà lá sen hòa tan cũng đảm bảo hương vị, màu sắc, độ trong, độ bền màu.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn phối chế tạo sản phẩm trà lá sen hòa tan với đường FOS để có thể sử dụng được cho người ăn kiêng, tiểu đường...ThS. Phạm Thu Trang cho biết, cả hai sản phẩm đã được đăng ký công bố chất lượng và được công ty Công ty XNK Vàng Mê Kông nhận giới thiệu đến người tiêu dùng, bước đầu có phản hồi tốt từ người tiêu dùng.
Sản phẩm siro thanh long và mứt nhuyễn thanh long (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Mới đây, Viện cũng đã hoàn thành đề tài ‘‘Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ quả Thanh Long ruột đỏ (siro, mứt nhuyễn) phục vụ sản xuất kem, sữa chua” với nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, đề tài đã sản xuất thành công sản phẩm mứt nhuyễn và siro thanh long ruột đỏ, ứng dụng trong sản xuất sữa chua tại Công ty cổ phần sữa Ba Vì và sản xuất kem tại Công ty Kem Goofoo. Các sản phẩm bước đầu được đánh giá cảm quản hấp dẫn người tiêu dùng và làm đa dạng sản phẩm thực phẩm.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của sản phẩm, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Hoàng Phi cho biết: “Theo tính toán, để sản xuất ra một chai siro thanh long 500ml sẽ tốn khoảng 43.090 đồng, giá bán 1 chai sản phẩm là 55.000 đồng. Do đó, mỗi chai sản phẩm bán ra sẽ thu được lợi nhuận 11.010 đồng. Còn để sản xuất 1 chai mứt nhuyễn thanh long sẽ cần chi phí là 29.650 đồng, giá bán là 40.000 đồng, vậy lãi cho mỗi chai sẽ đạt 10.30 đồng.”
Như vậy, đề tài đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước là trái thanh long, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông sản sau chế biến, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Chia sẻ về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết, Viện đã phát triển và chuyển giao được một số công nghệ trong lĩnh vực chế biến. Tiêu biểu như công nghệ chiết tách tinh dầu, sản xuất phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng từ các loại thảo dược, nâng cấp một số sản phẩm truyền thống lên sản xuất công nghiệp,… Viện cũng đã thực hiện sản xuất thử nghiệm và đăng ký thương mại trên 20 sản phẩm nhằm quảng bá công nghệ, thăm dò thị trường, hoàn thiện sản phẩm. PGS.TS Vũ Nguyên Thành cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Viện xác định sẽ phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh cao, hướng tới công nghiệp chế biến những nông sản chủ lực của Việt Nam.
Hà Nguyễn

lên đầu trang