Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 22:18

Thứ năm, 02/05/2024 | 22:18

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:52 ngày 22/08/2022

Viện Công nghiệp thực phẩm chú trọng ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào đời sống

Viện Công nghiệp thực phẩm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ sinh học và giám định an toàn thực phẩm. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, với đội ngũ nhân lực gồm 105 cán bộ viên chức (trong đó có 5 phó giáo sư, 16 tiến sĩ và 50 thạc sĩ), Viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đáng chú ý, ngay từ những ngày đầu thành lập Viện, công tác tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) vào đời sống luôn được Viện xác định là nhiệm vụ chuyên môn, chính trị trọng tâm hàng đầu. 
Đa dạng hình thức chuyển giao, dịch vụ KHCN
PGS.TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của công nghệ nước ngoài nhưng Viện vẫn phát triển và chuyển giao được một số công nghệ trong lĩnh vực chế biến như: công nghệ chiết tách tinh dầu, sản xuất phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng từ các loại thảo dược, nâng cấp một số sản phẩm truyền thống lên sản xuất công nghiệp, chế biến giò nấm, đông khô sữa ong chúa... 
Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2022, Viện đã thực hiện được 26 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Năm 2020, tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ KHCN của Viện đạt 12,1 tỷ đồng. Đến năm 2021, con số này tăng lên là 12,5 tỷ đồng. Đặc biệt, các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ KHCN vẫn đươc Viện duy trì và đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, nổi bật là hình thức chuyển giao quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ và bảo trợ kỹ thuật, cung cấp công thức, chủng giống hoặc nguyên liệu độc quyền.
Ứng dụng sản xuất bia gừng tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ (Ảnh: FIRI)
Bên cạnh đó, Viện cũng thực hiện tư vấn cải tiến, đổi mới, đầu tư mới công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng và tư vấn đánh giá chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu suất, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tiêu hao; đào tạo kiến thức lý thuyết và thực hành về công nghệ và R&D trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu R&D, các đối tác nhận chuyển giao công nghệ và dịch vụ KHCN của Viện cũng rất đa dạng, từ các tổng công ty, tập đoàn, nhà máy lớn (Tổng Công ty Cổ phần Rượu bia Nước Giải khát Hà Nội, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dược phẩm Sao Thái Dương, TH Milk, Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì, Công ty Cổ phần Minh Dương, Công ty Ong Trung ương, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, Công ty Cổ phần Ong mật Bình Phước) cho đến các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương (Trung tâm khuyến công, Trung tâm KHCN, Trung tâm Môi trường trực thuộc các Sở Công thương, Sở KHCN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các công ty vừa và nhỏ trên toàn quốc đang đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm (hộ gia đình chế biến cá thể, làng nghề, các công ty start-up), ...
Phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh
Trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp chế biến trong nước dự kiến sẽ không chỉ dừng ở việc đáp ứng nhu cầu nội địa hoặc sơ chế cho xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế và đòi hỏi công nghệ có tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, chi phí nguyên liệu, năng lượng và tác động môi trường. Do đó, để đáp ứng những thay đổi của ngành công nghiệp chế biến trong giai đoạn tới, Viện Công nghiệp thực phẩm xác định sẽ phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh, hướng tới chế biến những nông sản chủ lực của Việt Nam. 
Cụ thể, Viện xác định hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao trong thời gian tới sẽ tập trung ở các hướng công nghệ như các công nghệ sinh học về chủng giống, lên men sinh khối thu nhận các dinh dưỡng thay thế (alternative nutrition); các công nghệ chiết tách hoạt chất thiên nhiên và tạo chế phẩm; công nghệ in thực phẩm 3D và các công nghệ liên quan.
Đánh giá các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Công nghiệp thực phẩm. (Ảnh: FIRI)
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dinh dưỡng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, ưu tiên sử dụng các phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, các kỹ thuật chế biến không tạo ra các chất độc hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, ứng dụng các kỹ thuật cao trong chế biến thực phẩm cũng như phân tích đánh giá chất lượng dinh dưỡng, cảm quan, vệ sinh, an toàn của sản phẩm.
Ngoài ra, Viện sẽ tập trung xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về tính chất công nghệ, dinh dưỡng, cảm quan của nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, về các biến đổi của thực phẩm trong quá trình công nghệ. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá thực trạng quản lý chất lượng sản phẩm và thực trạng công nghệ trước khi thực hiện số hóa; xây dựng tiêu chuẩn, hệ thống quản lý và đánh giá chất lượng sản phẩm phù hợp với lộ trình số hóa.
"Với bề dày lịch sử phát triển, khả năng vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu giàu kinh nghiệm cùng cơ sở hạ tầng hiện có, Viện Công nghiệp thực phẩm sẽ tiếp tục khẳng định năng lực sáng tạo trong đổi mới công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam" - PGS.TS.Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm nhấn mạnh.
Trong 55 năm xây dựng và phát triển, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thu được nhiều thành tựu đáng trân trọng và tự hào, được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là: 01 Huân chương Độc lập hạng Ba, 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Các cá nhân và tập thể của Viện đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu như Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Giải thưởng Kovalevskaia, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc, Giải thưởng VIFOTEC, Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ toàn quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang