Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 30/06/2024 | 23:01

Chủ nhật, 30/06/2024 | 23:01

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:04 ngày 24/06/2024

Nhiều chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm tại Nam Định

Với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2024 đã và đang được cả hệ thống chính trị quan tâm; các ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát và thực hiện nghiêm các giải pháp, nhiệm vụ của Trung ương, của tỉnh trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
Tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), tính đến tháng 5-2024, toàn tỉnh có 18.598 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở (chiếm 33,3%), trong đó 1.664 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở (chiếm 12,6%). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) quản lý 10.061 cơ sở (chiếm 54,1%). Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 12-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Kế hoạch 59/KH-UBND ngày 8-4-2024 của UBND tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Sở Y tế chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền kiến thức về ATTP, các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng vệ sinh ATTP. Tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề, 7 lớp tập huấn về ATTP cho trên 2.500 người; cấp phát 76 nghìn tờ gấp, tờ rơi; 517 băng rôn, khẩu hiệu; 256 tranh áp phích, poster, pa-nô tuyên truyền về ATTP.
Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Nam Định kiểm tra bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Nam Phong.
Từ đầu năm đến nay, nhất là trong Tháng hành động vì ATTP, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; Cơ quan chức năng kiểm nghiệm 1.904 mẫu thực phẩm hóa lý, vi sinh; tỷ lệ các mẫu đạt 95,2%. Các sở, ban, ngành tăng cường quản lý Nhà nước về công tác ATTP theo chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, các sở: Y tế, NN và PTNT, Công Thương tập trung phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu. Kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền; tổ chức 12 lớp tập huấn cho 1.340 người là cán bộ thú y cấp xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chủ cơ sở chăn nuôi, bán thức ăn, thuốc thú y, hội viên Hội Phụ nữ. Đồng thời triển khai đồng bộ các chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ mất ATTP đối với một số nhóm sản phẩm thực phẩm chủ lực có nguy cơ cao. Thực hiện 5 đợt kiểm tra tại 78 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phương tiện khai thác thủy sản. Trong đó, 74 cơ sở đáp ứng các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định; xử phạt 4 trường hợp có vi phạm với số tiền 8 triệu đồng. Kiểm tra và cấp 243 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Số lượng động vật, sản phẩm động vật được kiểm dịch gồm 18.535 con lợn, 104.932 con gia cầm giống, 122.200 con gia cầm thịt, 1.200 con thỏ, 5.000 chùm hàu, 41.652kg sản phẩm động vật các loại, kiểm soát giết mổ 1.516 con lợn.
Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại một số xã, phường, thị trấn còn yếu, đặc biệt là việc quản lý sử dụng hoá chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, kinh doanh thức ăn đường phố, ATTP tại các chợ; việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP... hiệu quả chưa cao. 
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, toàn tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh (đoàn số 1 do Sở Y tế chủ trì kiểm tra thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản; đoàn số 2 do Sở NN và PTNT chủ trì kiểm tra huyện Ý Yên, Trực Ninh; đoàn số 3 do Sở Công Thương chủ trì kiểm tra huyện Giao Thủy, Xuân Trường); 243 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP các cấp. Tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.181 cơ sở, xử phạt 46 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 182 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu xử lý là hơn 16 triệu đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Khương Thành Vinh, cho biết: “Hành vi vi phạm chủ yếu ở các đơn vị, cơ sở đến kiểm tra là không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh; sử dụng người tiếp xúc với thực phẩm mà không mang bảo hộ lao động theo quy định; cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng không được che kín; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không niêm yết giá hàng hóa theo quy định, vi phạm về nhãn hàng hóa...”. 
Đồng chí Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Trong Tháng hành động vì ATTP, Sở phối hợp với các đơn vị, chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại huyện Xuân Trường, Giao Thủy. Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP 2 huyện, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã nghe đại diện thành viên Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP huyện báo cáo kết quả công tác đảm bảo ATTP, kiểm tra các văn bản, hồ sơ Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP huyện cung cấp và kiểm tra thực tế tại một số cơ sở thực phẩm trên địa bàn 2 huyện. Về cơ bản, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức chấp hành các quy định về ATTP. Một số cơ sở mới thành lập, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, sắp xếp, cân đối các loại hàng kinh doanh; Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, tuyên truyền các đơn vị kinh doanh, mua bán, sản xuất thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo ATTP. Đoàn cũng yêu cầu các cơ sở thường xuyên cập nhật và chấp hành các quy định về ATTP tại các văn bản pháp luật về ATTP; mua bán, sản xuất thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh ATTP, tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm, nâng cao trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định để đảm bảo ATTP. 
Qua kiểm tra, phát hiện một số đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn chưa ý thức được hết các vấn đề bảo đảm ATTP. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ do điều kiện còn khó khăn nên việc tuân thủ các quy định của pháp luật chưa được triệt để.
Sau Tháng hành động vì ATTP, các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch số 29/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 27-2-2024 về triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10- 2022 của Ban Bí thư; tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn, thức ăn đường phố. Kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả và sản phẩm rau củ, quả, thủy sản, sản phẩm thủy sản, phụ gia thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm theo phân công trách nhiệm quản lý của các ngành. Công tác hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giám sát và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể và các cơ sở thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo Nam Định
lên đầu trang