Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:53

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:53

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:53 ngày 04/06/2020

Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN do Viện Thuốc lá chủ trì

Cuối tháng 05 vừa qua, ​ Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp Bộ năm 2020 do Viện Thuốc lá chủ trì thực hiện.
06 nhiệm vụ KHCN được kiểm tra gồm: “Lưu giữ, bảo quản nguồn gen cây thuốc lá”, “Đánh giá nguồn gen cây thuốc lá” do ThS. Trần Thị Thanh Hảo làm chủ nhiệm; “Lai tạo các dòng thuốc lá mới có khả năng kháng cao với một số bệnh hại chính” do TS. Tào Ngọc Tuấn làm chủ nhiệm; “Khảo nghiệm một số giống thuốc lá nhập nội tại vùng trung du miền núi phía Bắc” do ThS. Nguyễn Văn Lự làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu phối trộn phân khoáng hữu cơ đặc chủng cho cây thuốc lá vàng sấy ở miền núi phía Bắc” do ThS. Đinh Văn Năng làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu phòng trừ một số đối tượng sâu và bệnh virus chính gây hại thuốc lá bằng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học và sinh học để sản xuất thuốc lá nguyên liệu hiệu quả và an toàn” do ThS. Nguyễn Văn Chín làm chủ nhiệm.
Cây thuốc lá được trồng khảo nghiệm tại Cao Bằng
Với nhiệm vụ “Lưu giữ, bảo quản nguồn gen cây thuốc lá”, 93 nguồn gen hạt thuốc lá được lưu giữ dưới hình thức bảo quản trung hạn, 81 nguồn gen cây thuốc lá dưới hình thức bảo tồn in vitro đã được lưu giữ và bảo tồn an toàn, 15 nguồn gen có lượng hạt ít hoặc tỷ lệ nảy mầm thấp được trẻ hóa.
Trong khi đó, nhiệm vụ “Đánh giá nguồn gen cây thuốc lá” đang triển khai đánh giá 10 nguồn gen thuốc lá trong điều kiện đồng ruộng tại Chi nhánh Bắc Giang. Tại thời điểm kiểm tra, đa số các chỉ tiêu đánh giá nguồn gen đã được cán bộ thực hiện chính thu thập bao gồm mức độ nhiễm một số sâu bệnh hại chính, thời gian phát dục, các chỉ tiêu về lá, thân cây, hoa, quả cũng như năng suất lá khô của mỗi nguồn gen.
Nhiệm vụ “Khảo nghiệm một số giống thuốc lá nhập nội tại vùng trung du miền núi phía Bắc” do ThS. Nguyễn Văn Lự làm chủ nhiệm được triển khai tại Cao Bằng và Bắc Kạn. 5 giống thuốc lá nhập nội gồm NC810, Sp.210, Sp.220, Sp 225, Sp.236 với khả năng kháng từ khá đến cao với các bệnh đen thân, héo rũ vi khuẩn được khảo nghiệm tại các vùng có nguy cơ gây hại cao của bệnh tại mỗi vùng là xã Nam Tuấn – Hòa An – Cao Bằng và xã Bằng Vân – Ngân Sơn – Bắc Kạn. Tại Cao Bằng, giống Sp.225 bên cạnh thể hiện mức kháng bệnh cao còn cho nguyên liệu có tỷ lệ lá cấp loại tốt cao hơn.
Trong năm 2020, nhiệm vụ “Lai tạo các dòng thuốc lá mới có khả năng kháng cao với một số bệnh hại chính” thực hiện việc chọn lọc và thuần dòng các dòng thuốc lá ở thế hệ F5. 38 dòng đã được đánh giá mức kháng bệnh đồng ruộng đối với các bệnh héo rũ vi khuẩn và đen thân do nấm trên nền đất trồng tại Ba Vì có áp lực cao của các tác nhân gây bệnh. Một số dòng thể hiện mức kháng cao bao gồm 7, 14, 18, 19, 20, 21, 23, 26, 27 khi cây của các dòng này không bị héo hoặc héo rất nhẹ, bộ lá vẫn xanh tươi, trên thân cây không xuất hiện các vết bệnh. Một số dòng bên cạnh mức kháng bệnh đồng ruộng khá còn thể hiện độ đồng đều quần thể cao và kiểu hình triển vọng về năng suất, chất lượng nguyên liệu. Việc đánh giá mức kháng bệnh bằng lây nhiễm nhân tạo đang được nhóm thực hiện đề tài phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật thực hiện.
Bảo tồn nguồn gen thuốc lá bằng phương pháp in vitro
Báo cáo tại buổi kiểm tra, ThS. Đinh Văn Năng – Chủ nhiệm nhiệm vụ “Nghiên cứu phối trộn phân khoáng hữu cơ đặc chủng cho cây thuốc lá vàng sấy ở miền núi phía Bắc” cho biết, trong năm 2020, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu phối trộn 03 mẫu phân khoáng hữu cơ (hay phân NPK hữu cơ) đặc chủng theo hướng giảm lượng bón phân vô cơ, đồng thời bổ sung phân hữu cơ cho cây thuốc lá vàng sấy trồng ở miền núi phía Bắc. Trong điều kiện vụ Xuân 2020, có 01 trong 03 mẫu phân khoáng hữu cơ đã thể hiện hiệu quả cải thiện sinh trưởng và phẩm cấp của giống thuốc lá vàng sấy khi so sánh với đối chứng (bón 100% phân NPK vô cơ) ở cả 2 địa điểm khảo nghiệm tại Cao Bằng và Lạng Sơn.
 
Đối với nhiệm vụ “Nghiên cứu phòng trừ một số đối tượng sâu và bệnh virus chính gây hại thuốc lá bằng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học và sinh học để sản xuất thuốc lá nguyên liệu hiệu quả và an toàn”, hiện nhóm thực hiện đang nghiên cứu sử dụng 5 loại thuốc cho phòng trừ sâu hại và 3 loại thuốc trong phòng bệnh virus. Từ kết quả thử nghiệm đã sơ bộ xác định thuốc sinh học Tasieu 1,9EC có hiệu lực cao nhất với sâu xanh, sâu khoang. Riêng với rệp, Tasieu 1.9EC có hiệu lực phòng trừ tương đương với Confidor 100SL (thuốc hóa học đặc trị côn trùng chích hút). Về thử nghiệm hiệu lực thuốc phòng virus cho thấy khi được phun bất kỳ loại thuốc nào trong số Ditacin 8SL, Sat 4SL và Exin 4,5SC thì các loại bệnh virus ít xuất hiện và mức độ hại nhẹ hơn công thức đối chứng không phun.
Cây thuốc lá được trồng tại Ba Vì
Tại buổi kiểm tra, sau khi các chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ đến thời điểm kiểm tra, đoàn công tác Bộ Công Thương đã nghiên cứu các hồ sơ liên quan của từng nhiệm vụ và kiểm tra thực địa việc triển khai các nhiệm vụ.
Đánh giá chung của đoàn kiểm tra, các nhiệm vụ KHCN do Viện Thuốc lá chủ trì thực hiện năm 2020 đã và đang được các nhóm thực hiện triển khai đầy đủ nội dung, đúng tiến độ. Đoàn công tác đề nghị đơn vị chủ trì cần tiếp tục cố gắng thực hiện các nội dung công việc tiếp theo để hoàn thành mục tiêu đề ra về số lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Vụ Khoa học và Công nghệ

lên đầu trang