Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 07:47

Thứ tư, 08/05/2024 | 07:47

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:33 ngày 11/02/2021

Việt Nam sớm “đi tắt đón đầu” xây dựng hệ sinh thái Halal

Không phải là một quốc gia thuần đạo Hồi, với nền công nghiệp thực phẩm dựa hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu của nước ngoài, nhưng ngành công nghiệp xuất khẩu Halal Singapore là một bài học thành công đáng lưu ý cho Việt Nam.
Kinh nghiệm từ Singapore
Là một quốc gia không có nền nông nghiệp, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất đều phải nhập khẩu nhưng thực phẩm chế biến hiện là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ 10 của Singapore, thậm chí còn quan trọng hơn nhóm mặt hàng sản phẩm hóa học. Năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng thực phẩm của Singapore đạt 8 tỷ USD; nếu tính riêng thực phẩm chế biến đạt 5.6 tỷ USD (các loại sốt, gia vị, thực phẩm ăn liền, mì, xúc xích (lạp sườn), bánh kẹo, các loại snacks…). 70% giá trị xuất khẩu thực phẩm của Singapore là các mặt hàng có chứng nhận Halal (khoảng 50.000 mặt hàng). Ước tính thị trường thực phẩm Halal Singapore sẽ giữ mức tăng trưởng khoảng 7-10% trong vòng 5 năm tới.
Nhờ mạng lưới doanh nhân người Hoa toàn cầu, các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu có chứng chỉ Halal của Singapore đã tiếp cận được thị trường nhiều nước, đặc biệt, thống lĩnh thị trường thực phẩm Halal Trung Quốc với 26 triệu dân theo đạo Hồi. Với thế mạnh về hạ tầng pháp lý, năng lực quản trị chất lượng, hạ tầng IT, logistics và dịch vụ, Singapore đang có tham vọng trở thành trung tâm kết nối thị trường Halal toàn cầu, từ khâu cung ứng nguyên liệu, sản xuất, phân phối. Năm 2019, Singapore đã đầu tư gần 80 triệu USD để xây dựng Khu phức hợp Halal hàng đầu với hệ thống Nhà máy chế biến thực phẩm Halal, Khu bảo quản trữ lạnh, Hệ thống phòng lab, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Halal và Mạng lưới logistics Halal… Khu phức hợp có diện tích gần 600.000 m2, gần Dự án siêu cảng Tuas, Trung tâm Halal Singapore sẽ đi vào hoạt động vào Quý 3 năm nay và là Nền tảng tích hợp hoàn chỉnh phục vụ cho công nghiệp Halal đầu tiên và hiện đại nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Singapore đều là các doanh nghiệp nhỏ nhưng được Chính phủ khuyến khích đầu tư để thỏa mãn các điều kiện cấp chứng chỉ Halal, từ đó tăng cường xuất khẩu các sản phẩm Halal của Singapore ra thế giới. 4.600 doanh nghiệp sản xuất hiện đã có chứng chỉ Halal của Singapore vẫn thường xuyên được yêu cầu phải nâng cao chất lượng và nhãn mác, khả năng truy xuất nguồn gốc với sự phối hợp giám sát giữa Hội đồng Tôn giáo hồi giáo của Singapore (MUIS) và Cơ quan thực phẩm Singapore. Cục doanh nghiệp Singapore chịu trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu sản phẩm Halal về vấn đề chỉ dẫn, ngôn ngữ trên bao bì nhằm tiếp cận người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cục doanh nghiệp Singapore thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động đào tạo, kết nối, hội thảo và đoàn khảo sát để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm Halal và tiêu chuẩn Halal của Singapore sang các nước. Ở trong nước, các hiệp hội , doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm cập nhật thông tin về xu hướng thị hiếu và chia sẻ kinh nghiệm thành công trong thị trường Halal.
Singapore cũng đầu tư mạnh để nâng cao năng lực tự động hóa và điện tử hóa cho ngành công nghiệp Halal nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Quy trình xin cấp phép Halal từ 2018 đã có thể thực hiện hoàn toàn qua mạng, giúp doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn loại hình giấy chứng nhận, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng đài thọ chi phí cho những người muốn tham gia các khóa đào tạo liên quan đến thực phẩm Halal và ngành công nghiệp thực phẩm. Các doanh nghiệp Halal lựa chọn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp điện tử PayNow cũng nhận được các gói hỗ trợ trọn gói khoảng 7.500 USD. Singapore còn tiến hành nhiều sáng kiến như: Hệ thống E-Halal, Hệ thống quản trị chất lượng Halal, MUIS Halal audit… và quản lý chuỗi sản xuất cung ứng Halal bằng công nghệ cao (blockchain).
Mặc dù không phải là một nước trong Tổ chức hợp tác Hội giáo (OIC) và không phải thành viên Tổ chức tiêu chuẩn OIC, với dân số hạn chế chỉ 14% (chứ không phải là một quốc gia thuần đạo Hồi như các nước vùng Vịnh hoặc có dân số Hồi giáo chiếm đa số như Indonesia, Malaysia); tuy nhiên, Singapore lại là nước có chiến lược cung ứng kinh nghiệm và dịch vụ quản trị tiêu chuẩn Halal ra toàn cầu rất sớm. Hiện nay tiêu chuẩn Halal của Singapore được các nước Brunei, Indonesia, Malaysia và Ủy ban hợp tác vùng Vịnh công nhận. Ngoài các nước Hồi giáo, tiêu chuẩn Halal của Singapore còn được công nhận ở EU, Hoa Kỳ, Nam Phi và Úc.
Halal – rào cản phi thuế quan mới?
Halal là tiêu chuẩn tiêu dùng của người Hồi giáo không chỉ cho thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ăn uống mà cả các sản phẩm tiêu dùng khác (sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thuốc, thực phẩm chức năng, và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác, kể cả vắc xin) và tiến tới là cả các sản phẩm dịch vụ. Các hãng thời trang Hàn Quốc bắt đầu cung ứng các sản phẩm dệt may, quần áo thời trang gắn tiêu chuẩn Halal. Thậm chí, có nhà sản xuất Đài Loan còn đưa vào thị trường chất tẩy rửa cho xe ô tô được cấp chứng nhận Halal. Halal đang trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, là bảo chứng cho đạo đức trong quy trình sản xuất, tính vệ sinh, an toàn của sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đều ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ Halal khi phải quyết định giữa 2 sản phẩm cùng mục đích sử dụng.
Do sự khác biệt về tiêu chuẩn Halal ở mỗi nước, chứng chỉ Halal được xác nhận ở nước này chưa chắc đã được công nhận ở nước khác, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal đều gặp khó khăn về mặt chi phí để duy trì các phương thức sản xuất khác nhau cho các thị trường tiêu chuẩn Halal khác nhau nếu muốn xuất khẩu. Một khó khăn nữa cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Halal với giá trị thị trường toàn cầu lên đến 2.5 nghìn tỷ USD (21-25% giá trị thị trường thực phẩm toàn cầu) là vấn đề chi phí thẩm định cơ sở sản xuất Halal, chi phí xác nhận từng sản phẩm Halal và thời gian thẩm định cấp phép kéo dài. Đây là những rào cản “phi thuế quan” mà dự kiến doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải ngày càng nhiều trong thời gian tới để cạnh tranh thâm nhập thị trường.
Để bảo vệ người tiêu dùng Halal, gần đây Singapore rất quan tâm đến việc nâng cao tiêu chuẩn Halal nội địa. Chính phủ Singapore đã rất mạnh tay điều tra và minh bạch thông tin trước dư luận có hành vi tham nhũng liên quan đến quy trình cấp phép thẩm định Halal ở nước ngoài của MUIS trong năm 2020. Cơ quan chống tham nhũng của Singapore đã được lệnh điều tra để đảm bảo các hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài đều qua quy trình thẩm định cấp phép minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Halal chứ không bị các hành vi tham nhũng, lạm dụng quyền lực cấp phép sai khi vào thị trường. Cơ quan thực phẩm Singapore cũng chịu trách nhiệm phối hợp kiểm soát cấp phép các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất sản phẩm Halal cũng phải đạt tiêu chuẩn Halal, nhất là: thịt gà, gelatine, hương liệu… Các nguyên liệu ít nguy cơ hơn như gia vị, nước sốt, enzymes cũng được yêu cầu phải thực hiện quy trình đánh giá Halal (không cần chứng nhận); kể cả những sản phẩm khác như gạo, rau, gia vị, … tiến tới cũng phải qua quy trình đánh giá Halal.
Không phải là một quốc gia thuần đạo Hồi, với nền công nghiệp thực phẩm dựa hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu của nước ngoài, nhưng ngành công nghiệp xuất khẩu Halal Singapore là một bài học thành công đáng lưu ý cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… đều không phải là quốc gia Hồi giáo nhưng cũng vẫn là những cường quốc xuất khẩu Halal trên thế giới. Để gia tăng giá trị xuất khẩu cũng như giá trị của ngành nông nghiệp, Việt Nam cần sớm nhanh chóng đi tắt đón đầu xây dựng hệ sinh thái Halal. Trong bối cảnh các nước trong ASEAN đều có các cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp Halal, Việt Nam cần tính đến quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Halal ở các tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu, tại đó, mọi dịch vụ liên quan đến sản xuất, đóng gói, lưu kho, marketing, thẩm định, cấp chứng chỉ, chuẩn hóa và lưu thông, thương mại hóa sản phẩm Halal đều được tích hợp. Bên cạnh vai trò của Nhà nước, các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, công nghệ IT và các cơ quan ngân hàng, quỹ đầu tư cần chung tay quan tâm, giúp ngành công nghiệp Halal Việt Nam đủ nội lực về tài chính, công nghệ và sức cạnh tranh về mẫu mã sản phẩm. Mặt khác, do chúng ta là những người nhập cuộc muộn trong thị trường Halal, chiến lược phát triển công nghiệp Halal còn cần được thiết kế dựa trên các nền tảng công nghệ cao như blockchain, thương mại điện tử, tự động hóa để quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối với khả năng truy xuất cao để sớm tiếp cận thị trường Halal toàn cầu.
Đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn lúc nào hết để nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Halal. Cùng với các chứng chỉ ISO, HACCP, Halal đang trở thành một chìa khóa cạnh tranh sống còn của các doanh nghiệp Việt, đảm bảo khả năng thâm nhập vào mọi thị trường, không bị gạt ra bởi hàng rào “phi thuế quan” vô hình Halal. Chuyển đổi Halal cũng là sự chuẩn bị cần thiết để chúng ta chuyển mình từ nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thô thành nhà cung cấp thực phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, tạo thêm việc làm và phát triển bền vững.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang