Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 00:44

Thứ năm, 09/05/2024 | 00:44

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:28 ngày 14/06/2021

Phú Thọ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm an toàn

Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, triển khai quy hoạch tổng thể nông lâm nghiệp, các vùng sản xuất rau, chè an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, đặc biệt xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm
Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ: Trong giai đoạn 2016-2020 Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các huyện, thành, thị đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP của Chính phủ, các bộ, ngành.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh được kiện toàn, bổ sung thành viên, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo, thành viên là giám đốc/thủ trưởng của các sở, ban, ngành và tổ chức đoàn thể liên quan; 100% các huyện, xã đều kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của địa phương…
Công tác thông tin, giáo dục truyền thông về ATTP cũng được các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính: Người lãnh đạo, quản lý; người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức về ATTP.
Để nâng cao năng lực quản lý ATTP, tỉnh còn mua, tiếp nhận, cấp các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP tỉnh, huyện; tổ chức 34 lớp tập huấn, 43 hội nghị, hội thảo chuyên môn nghiệp vụ về ATTP cho 7.965 cán bộ làm công tác ATTP các cấp. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020 là 29.109,55 triệu đồng.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai liên tục từ tỉnh tới cơ sở. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp từ tỉnh tới cơ sở và các sở, ngành đã thành lập 4.657 đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo đó, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra 55.797 lượt cơ sở. Kết quả cho thấy, số cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu về ATTP: 46.168 cơ sở (chiếm 82,7%); số cơ sở được kiểm tra không đạt yêu cầu về ATTP: 9.629 cơ sở (chiếm 17,3%); số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP: 1.716 cơ sở (chiếm 3,2%) với số tiền phạt 3,56 tỷ đồng.
Phát triển các vùng sản xuất an toàn
Đáng chú ý trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, triển khai quy hoạch tổng thể nông lâm nghiệp, các vùng sản xuất rau, chè an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản an toàn, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Theo đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai được 58 chuỗi cung ứng nông sản an toàn tại tỉnh và các huyện, thành, thị, gồm: Cấp tỉnh xây dựng 30 chuỗi gồm: 7 chuỗi cung ứng chè; 5 chuỗi cung ứng rau; 11 chuỗi cung ứng thịt và sản phẩm từ thịt; 5 chuỗi cung ứng cam, bưởi, hồng; 2 chuỗi cung ứng sản phẩm bánh các loại, tương, gạo.
Cấp huyện xây dựng được 13 chuỗi gồm: 3 chuỗi cung ứng chè; 9 chuỗi cung ứng rau, củ, quả; 1 chuỗi cung ứng cá thính. Các cơ sở thực phẩm tự xây dựng 15 chuỗi gồm: 2 chuỗi cung ứng chè; 5 chuỗi cung ứng rau; 2 chuỗi cung ứng thịt và sản phẩm từ thịt; 1 chuỗi cung ứng trứng gà; 2 chuỗi cung ứng cá; 3 chuỗi cung ứng sản phẩm bánh các loại, tương, gạo.
Đồng thời, triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bảo quản thực phẩm triển khai áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP (GMP, HACCP, ISO), áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bảo quản thực phẩm.
Điển hình, đã xây dựng thử nghiệm các mô hình sản xuất rau công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng tại các huyện: Hạ Hòa, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Lâm Thao, Tam Nông và thành phố Việt Trì. Ngoài ra, diện tích chè ứng dụng IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) đạt trên 9,2 ngàn ha, ương đương 70,7% diện tích chè; diện tích lúa ứng dụng IPM đạt trên 46 ngàn ha, tương đương 76% tổng diện tích trồng lúa; diện tích rau ứng dụng IPM đạt trên 3,7 ngàn ha tương đương 62,3% tổng diện tích trồng rau; diện tích bưởi ứng dụng IPM đạt trên 3 ngàn ha tương đương 71,4 % tổng diện tích bưởi.
Cùng với đó, tư vấn, hướng dẫn 25 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO…; xây dựng 11 mô hình chợ thí điểm ATTP tại các huyện, thành, thị; cấp 2.118 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; 873 sản phẩm thực phẩm thực hiện tự công bố sản phẩm đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh...
Đánh giá chung về công tác ATTP của tỉnh, ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ - cho biết: Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về ATTP được cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác phối hợp liên ngành trong vận động, quản lý, kiểm tra, giám sát ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Ban chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp được kiện toàn, bổ sung đầy đủ thành viên đã tích cực hoạt động giúp UBND các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP ở địa phương.
“Bước đầu đã tạo được chuyển biến quan trọng về phương thức quản lý ATTP từ thụ động sang chủ động trong việc xây dựng mô hình và quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh bảo quản thực phẩm” - ông Lê Quang Thọ thông tin.
Sở Y tế Phú Thọ kiến nghị Bộ Công Thương sớm triển khai, nghiên cứu hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP ngành Công Thương. Bên cạnh đó, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; Bộ Y tế quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ về công tác ATTP cho tỉnh Phú Thọ…
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang