Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 11:51

Thứ bảy, 04/05/2024 | 11:51

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 22:05 ngày 07/09/2021

Hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa tại Than Hạ Long

Nhằm nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an toàn cho người lao động, thời gian gần đây, Công ty Than Hạ Long (TKV) đã tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ khai thác than theo hướng cơ giới hóa.
Lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ công suất 300.000 tấn/năm của Công ty Than Hạ Long.
Tháng 8/2020, sau gần 3 tháng thi công lắp đặt, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của Công ty Than Hạ Long đã hoàn thành đưa vào hoạt động, vượt trước tiến độ 15 ngày so với kế hoạch. Đây là lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên của TKV, công suất đạt 300.000 tấn/năm. Công trình có bước đột phá về áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác than hầm lò lớn nhất từ trước tới nay của Công ty Than Hạ Long, tạo tiền đề để Công ty áp dụng thêm các lò chợ cơ giới hóa ở các vỉa khác. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2024 đưa mỏ than Khe Chàm II-IV đạt công suất thiết kế sản lượng 3,5 triệu tấn than.
Hiện tại, Phân xưởng Khai thác 7 đang được Công ty giao quản lý, vận hành khai thác lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ tại mức -320m đến -290m khu Khe Chàm I. Theo kế hoạch năm 2021, Công ty giao Phân xưởng Khai thác 7 khai thác 250.000 tấn than.
Ông Vũ Thế Vinh, Quản đốc Phân xưởng Khai thác 7 (Công ty Than Hạ Long) cho biết: Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, sản lượng trung bình của lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đạt 812 tấn/ngày (tăng 2,1 lần so với công nghệ thủy lực đơn); năng suất lao động trực tiếp trung bình 12,5 tấn/công (tăng 2,9 lần so với công nghệ thủy lực đơn). Tính riêng 8 tháng năm 2021, lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đã khai thác trên 200.000 tấn than. Với sản lượng than ra ổn định, dự kiến năm 2021, sản lượng than lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ sẽ vượt 5-10% so với tổng sản lượng kế hoạch năm Công ty giao. Việc đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ vào hoạt động đã giúp Than Hạ Long tiết giảm được 30% nhân công, nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác.
Ngoài việc áp dụng đưa lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ vào diện sản xuất phù hợp, hiện nay Công ty Than Hạ Long còn đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa vào điều hành sản xuất. Tiêu biểu tại khu vực Tân Lập, đầu tháng 2/2021, Công ty đưa công trình Trung tâm điều hành sản xuất tập trung với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng vào hoạt động.
Công trình triển khai lắp đặt nhiều hạng mục quan trọng như: Hệ thống truyền hình công nghiệp, tường chiếu màn hình lớn cho phép cán bộ điều hành thực hiện việc giám sát bằng hình ảnh trên mặt bằng và dưới hầm lò thông qua hệ thống camera cố định; hệ thống giám sát điều khiển tại phòng điều độ tập trung; hệ thống giám sát, điều khiển băng tải từ mức -100m lên mặt bằng +55m; hệ thống giám sát hầm bơm mức -100; hệ thống giám sát, điều khiển trạm quạt chính +17m… Ngoài ra, còn lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc cung cấp tuyên truyền các thông tin điều hành sản xuất, phổ biến các kiến thức an toàn, văn hóa, xã hội đến các phân xưởng; mạng lưới giám sát điều khiển, tích hợp giám sát tập trung; giám sát nhân lực trên mặt bằng.
Việc đưa công trình Trung tâm điều hành sản xuất tập trung vào hoạt động giúp Công ty chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh. Với đa tính năng, tích hợp thông tin trong và ngoài lò qua hệ thống cáp quang lên màn hình chiếu lớn sẽ giúp giám sát quá trình làm việc của hệ thống thiết bị một cách trực quan, tăng tính an toàn cũng như năng suất làm việc của công nhân vận hành, giảm được 4 người, với chi phí nhân công tính cho vị trí trực trạm điện. Tính toán đơn giá nhân công vị trí này, Công ty tiết giảm được chi phí hơn 336 triệu đồng/năm.
Sau thời gian đưa vào hoạt động, Trung tâm điều hành sản xuất tập trung đang giám sát vận hành hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tiết giảm thời gian đi lại cho công nhân, từ tháng 1/2020, Công ty Than Hạ Long đã đưa hệ thống tời cáp treo chở người với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng vào sử dụng. Hệ thống tời cáp treo có chức năng vận chuyển công nhân từ mặt bằng xuống các vị trí đường lò gần nhất, giảm thời gian chờ đợi đầu và cuối ca, tăng thời gian làm việc hữu ích trong các ca sản xuất. Thay vì công nhân phải đi bộ với thời gian di chuyển từ 30-45 phút như trước đây, nay nhiều vị trí đường lò xa công nhân cũng chỉ mất thời gian di chuyển từ 15-20 phút.
Hiện nay, Công ty Than Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ tại dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV. Đây là một trong những dự án khai thác hầm lò mỏ giếng đứng có quy mô lớn và hiện đại nhất của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Theo đó, quy mô dự án sẽ xây dựng cơ bản 14 lò chợ (12 lò chợ hoạt động và 2 lò chợ dự phòng). Trong đó, có 4 lò chợ cột thủy lực đơn xà khớp (công suất 100.000-120.000 tấn/năm), 2 lò chợ cơ giới hóa (công suất: 600.000-750.000 tấn/năm) và 8 lò chợ giá khung (công suất 180.000-250.000 tấn/năm). Đến nay, Công ty Than Hạ Long đã đưa 10/14 lò chợ vào khai thác.
Hiện, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ đào lò xây dựng cơ bản và các hạng mục phụ trợ trên mặt bằng. Theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, đến tháng 6/2024 dự án sẽ kết thúc đào lò xây dựng cơ bản và đạt công suất thiết kế. Dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV mở ra nhiều cơ hội giúp Than Hạ Long tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hướng tới phát triển trở thành: “Mỏ xanh - mỏ hiện đại - mỏ ít” người trong Tập đoàn.
Theo Báo Quảng Ninh
lên đầu trang