Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 01:23

Chủ nhật, 05/05/2024 | 01:23

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:14 ngày 01/11/2021

ĐH Công nghiệp TPHCM hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành dệt - nhuộm – may

Mới đây, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã tổ chức khai giảng chương trình “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành dệt – nhuộm – may khu vực phía Nam” khóa thứ nhất năm 2021. Khóa học sẽ kéo dài đến hết ngày 25/11/2021, bao gồm 2 tuần học lý thuyết và 2 tuần thực tế tại doanh nghiệp. Đây là một trong 04 khoá đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật nằm trong Đề án cùng tên mà Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) ủy quyền cho Trường ĐH Công nghiệp TP HCM chủ trì triển khai. Đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017. Theo đó, mỗi khoá học sẽ gồm 15 học viên đến từ các doanh nghiệp dệt may tại khu vực miền Nam, chủ yếu từ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.
Các học viên của khóa học. (Ảnh: http://iuh.edu.vn/)
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Đề án nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp dệt may cải thiện những khó khăn về kỹ thuật, quản lý sản xuất, duy trì, cải tiến tăng năng suất/chất lượng, giảm giá thành, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các chiến lược phát triển của doanh nghiệp và theo định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ các doanh nhiệp vừa và nhỏ của Chính phủ Việt Nam. Chương trình đào tạo sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, cải thiện môi trường ngành dệt nhuộm đang ở mức báo động như hiện nay.
PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM phát biểu tại lễ khai giảng (Ảnh: http://www.vietnamtextile.org.vn/)
Phát biểu tại lễ khai giảng, PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM bày tỏ, thông qua hiệu quả thực hiện chương trình “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành dệt – nhuộm – may khu vực phía Nam”, Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM kỳ vọng đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc luôn luôn cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm giúp thúc đẩy ngành dệt may nói riêng và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Ghi nhận những nỗ lực của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM trong việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực cho ngành dệt - nhuộm – may, ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, các nội dung đào tạo hoàn toàn phù hợp với những nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp. Đó là các vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh như nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ mới...Đồng thời, bày tỏ mong muốn các trường tiếp tục gắn kết và phối hợp với các doanh nghiệp dệt may trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. 
Ông Phạm Xuân Trình – GĐĐH Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Ảnh: http://www.vietnamtextile.org.vn/)
Theo Ban tổ chức, các khóa học sẽ cung cấp cho các học viên nhiều kiến thức bổ ích như: Kiến thức hỗ trợ quản lý sản xuất cơ bản, các phương pháp nhận diện lãng phí; Kiến thức quản lý chuyên sâu theo Lean và TPM để giảm thiểu rủi ro và khắc phục sự cố hiệu quả; Kiến thức chuyên môn, kiến thức chuyên ngành dệt-nhuộm-in-may; các sự cố thường gặp về sản xuất, máy móc thiết bị, năng lực quản lý, nhân công, nguyên liệu, phương pháp thực hiện; Kiến thức quản lý chất lượng sản phẩm: 07 công cụ quản lý sản xuất và các giải pháp quản lý chất lượng hiệu quả.
Mục tiêu Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành dệt – nhuộm – may khu vực phía Nam:
- Đào tạo 60 nguồn nhân lực chủ chốt và cán bộ quản lý có năng lực học tập vận dụng được phương pháp Lean, TPM, 7 công cụ quản lý chất lượng;
- Xây dựng bộ tài liệu tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, nhân rộng công tác đào tạo nội bộ;
- Xây dựng mạng lưới kết nối các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ thuộc ngành dệt-nhuộm-in hoa-may mặc.
Bích Phương
lên đầu trang