Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 12:23

Thứ hai, 29/04/2024 | 12:23

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:12 ngày 04/05/2022

VIELINA làm chủ nhiều công nghệ 4.0 trong lĩnh vực Điện tử, Tin học, Tự động hoá

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với một số công nghệ nền tảng như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), in 3D, robotic, … đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa (VIELINA), với vai trò là một viện nghiên cứu ứng dụng đầu ngành trong lĩnh vực Điện tử, Tin học, Tự động hoá trực thuộc Bộ Công Thương, đã sớm định hướng nghiên cứu, làm chủ và phát triển, đưa vào ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có những công nghệ của CMCN 4.0 hiện nay. Thậm chí, Viện đã chủ động nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ nền của CMCN 4.0 từ khi khái niệm CMCN 4.0 chưa có hoặc mới bắt đầu được đưa ra tại Việt Nam. 
Trao đổi với Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương, TS. Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng VIELINA cho biết, trong quá trình thực hiện các đề tài cấp nhà nước về hệ thống SCADA từ năm 2000 đến năm 2010, Viện đã áp dụng AI (trước đây gọi là tri thức chuyên gia) để làm thông minh và linh hoạt hóa cho các hệ thống giám sát điều khiển trong công nghiệp do Viện chế tạo.
Đến năm 2013, khi thiết kế, cung cấp và chuyển giao hệ thống điều khiển giám sát tập trung mỏ hầm lò cho Công ty Than Khe Chàm, Viện đã lựa chọn các công nghệ hiện đại như dùng IP camera (thực chất là camera kiểu IoT), các chuyển mạch IP, mạng cáp quang tốc độ cao kết nối internet, … cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung (dữ liệu lớn) cho hệ thống. Cũng trong năm 2013, Viện đã thực hiện đề tài cấp bộ về khai phá dữ liệu lớn mang tên “Nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật khai phá dữ liệu áp dụng trong dự báo các bệnh trên động vật thủy sản”.
Hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên
Mới đây nhất, Viện đã chế tạo thành công hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn. Đây là kết quả của Dự án “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên” thuộc Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì. TS. Truyện cho biết, hệ thống này hiện đang được sử dụng, vận hành tại Công ty Cổ phần chè Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và được các chuyên gia ngành chè đánh giá là dây chuyền sản xuất chè có công suất lớn, hiện đại nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Điều đáng nói là hệ thống thiết bị này do các chuyên gia Việt Nam tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt chuyển giao cho nhà máy, trong đó các công đoạn quan trọng nhất đã tự động hóa 100%. Các công nghệ 4.0 như AI, IoT, ….cũng được Viện đưa vào để chế tạo hệ thống điều khiển tự động trong dây chuyền này.
"Có thể nói, Viện đã rất chú trọng, chủ động trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào các sản phẩm do Viện chế tạo và cung cấp cho thị trường" - TS. Nguyễn Thế Truyện nhấn mạnh.
Bằng việc đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu và chế tạo các thiết bị/hệ thống thiết bị trên cơ sở ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 và đưa sản phẩm vào sử dụng trong thực tế sản xuất, đến nay, Viện Nghiên cứu Tin học, Điện tử và Tự động hóa đã "sở hữu" khá nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế như: Hệ thống điều khiển tích hợp dùng cho mỏ than hầm lò; Hệ thống kiểm tra ngoại quan chất lượng sản phẩm dùng AI và thị giác máy ứng dụng cho một số doanh nghiệp FDI; Hệ thống điều khiển cung cấp thức ăn và thông gió làm mát tự động cho trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ IoT;... Đáng chú ý, kết quả ứng dụng thực tế cho thấy các công nghệ của CMCN 4.0 được Viện đưa vào áp dụng không chỉ giải quyết tốt các vấn đề trước đây được coi là khó giải quyết mà còn đem lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, giảm nhân công, tăng chất lượng sản phẩm một cách rõ rệt.
Bích Phương
lên đầu trang