Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:52

Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:52

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:59 ngày 04/05/2022

Tháng hành động vì ATTP năm 2022: Chấn chỉnh kịp thời các vi phạm

Qua kiểm tra thực tế tại bếp ăn các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trường học, Đoàn kiểm tra liên ngành TP nhận thấy, một số cơ sở còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
Trước vấn đề này, Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng của địa phương tăng cường giám sát, siết chặt quản lý, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong thời gian tới.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội kiểm tra ATTP tại nhà hàng Libera (49 Trung Hòa, Cầu Giấy). 
Khắc phục ngay từ những lỗi sai sót nhỏ nhất
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành từ TP đến quận, huyện, thị xã đã đồng loạt ra quân kiểm tra ATTP, phát hiện một số cơ sở vi phạm. Những ngày qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội do Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong làm Trưởng đoàn đã làm việc và kiểm tra nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2022 trên địa bàn quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.
Tại thời điểm kiểm tra nhà hàng Marukame Udon (tầng 2 của Vincom Center Metropolis 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) có một số vi phạm như khu vực kho chứa của nhà hàng còn sắp xếp chưa khoa học. Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát có 2 mẫu bát bị trầy xước, có dính tinh bột.
Tương tự, tại quận Cầu Giấy, kiểm tra nhà hàng Libera (49 Trung Hòa), lực lượng chức năng nhận thấy, một số sản phẩm nguyên liệu chế biến đóng hộp chỉ ghi ngày sản xuất nhưng không ghi hạn sử dụng, xét nghiệm nhanh bát đĩa chưa đạt yêu cầu… Còn Công ty CP Thực phẩm Thiên Vương (30 Nguyễn Khang), qua kiểm tra cho thấy, khu vực bán hàng, tủ bảo quản chưa có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Toàn bộ phần kho chưa được vệ sinh thường xuyên, chưa có giá kệ đầy đủ, sắp xếp chưa đảm bảo về mặt chất lượng…
Qua kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu các cơ sở khẩn trương, nghiêm túc khắc phục ngay từ những tồn tại, lỗi sai sót nhỏ nhất. Sau thời gian khắc phục, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành hậu kiểm, nếu các cơ sở không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những vi phạm đó.
Đề cập đến vấn đề này, Phó trưởng Phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Tô Hà cho hay, trong Tháng hành động vì ATTP, quận Cầu Giấy đã tổ chức tổng số 10 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Từ 15/4 đến nay, các đoàn kiểm tra của quận và phường đã kiểm tra 556 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và xử phạt 10 cơ sở vi phạm với số tiền 22 triệu đồng, nhắc nhở 16 cơ sở. Cùng thời điểm này, quận cũng rà soát, củng cố duy trì 11 tuyến phố ATTP có kiểm soát…
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung đánh giá, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện vẫn còn tồn tại những cơ sở bày bán hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ, bao bì không đảm bảo điều kiện bảo quản thực phẩm, không có dụng cụ bảo quản riêng thực phẩm sống, chín... Thời gian tới, quận Cầu Giấy tiếp tục xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm về ATTP. Quận cũng tăng cường rà soát, thống kê, cấp phép hoạt động kinh doanh rượu; hạn chế tối đa việc kinh doanh rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Duy trì công tác kiểm tra thường xuyên, liên tục
Phó trưởng Phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang cho biết, đến thời điểm hiện tại, 19 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của quận và các phường đã thanh tra, kiểm tra được 423 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Riêng các đoàn kiểm tra cấp phường đã kiểm tra 207 cơ sở, trong đó phát hiện 6 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt gần 16 triệu đồng. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP hạn chế do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Điều này dẫn đến hiểu biết về pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATTP và ý thức chấp hành các quy định của cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chưa được duy trì thường xuyên.
Thời gian tới, quận Ba Đình sẽ triển khai hệ thống cảnh báo nhanh sự cố về ATTP chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường. Quận cũng tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình điểm về ATTP tại 4 tuyến phố. Ngoài ra, quận sẽ kiểm tra, giám sát chuyên đề nước uống đóng chai, thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao…
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, Tháng hành động vì ATTP (diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5) là tháng cao điểm ra quân thanh tra, kiểm tra, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Qua kiểm tra công tác ATTP tại quận Ba Đình, Hai Bà Trưng cho thấy, các bếp ăn tập thể nhà trường, nhà hàng và cơ sở cung cấp dịch vụ cho bếp ăn tập thể đã thực hiện nghiêm túc quá trình cung cấp, chế biến thức ăn.
“Trong quá trình kiểm tra, đoàn nhắc nhà trường, nhà hàng một số nội dung như sàn nhà trơn trượt, lưới chắn côn trùng ở các cửa sổ vệ sinh chưa đảm bảo, yêu cầu khắc phục ngay. Đặc biệt, khi phát hiện sai phạm, chúng tôi đề nghị xử lý nghiêm, nhất là sai phạm ATTP trong các trường học” – ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Ông Đặng Thanh Phong đề nghị, thời gian tới, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra ATTP, không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP, mà cần duy trì thường xuyên, liên tục nhiều lần trong năm. Thời điểm hiện tại, khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm ATTP cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong Tháng hành động vì ATTP, TP sẽ tăng cường phối hợp liên ngành: Y tế, Công Thương, NN&PTNT với lực lượng quản lý thị trường, công an trong công tác thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong Tháng hành động vì ATTP 2022, ngành y tế Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT Thủ đô tăng cường kiểm tra nguồn gốc của các mặt hàng nông sản, thực phẩm đưa vào chế biến tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, đặc biệt là các bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp… Đáng chú ý, trong thời gian này, lần đầu tiên ngành y tế Thủ đô triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học tại 10 quận, huyện.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - Đặng Thanh Phong
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong quý I/2022, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra được 14.755 cơ sở dịch vụ ăn uống; trong đó có 12.556 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ hơn 85%), còn lại gần 2.200 cơ sở có sai phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt với số tiền gần 397 triệu đồng. Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn một số nơi vẫn chưa tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP.
Theo: https://kinhtedothi.vn

lên đầu trang