Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:32

Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:32

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:23 ngày 31/05/2022

Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương: Hoạt động hiệu quả nhờ tự chủ tài chính

Bộ Công Thương hiện đang quản lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm 13 đơn vị, trong đó có 2 viện đã thực hiện cổ phần hóa. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang tích cực trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các viện nghiên cứu thuộc Bộ. Nhờ đó, nhiều viện đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao,... để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, thu hút nhân tài, lao động giỏi đến nghiên cứu và làm việc.
Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhờ tự chủ tài chính là Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) – cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của nhà nước về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá với doanh thu hằng năm hơn 500 tỷ đồng. Ngay từ những giai đoạn đầu khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về việc các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Ban lãnh đạo Viện đã sớm có những định hướng phát triển trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh. Theo đó, lãnh đạo Viện đã lựa chọn phương án liên kết với một số đơn vị nước ngoài, cùng ngành nghề, có đủ tiêu chí để tham gia đấu thầu các dự án. Với hình thức liên kết này, một mặt Viện dần hoàn thiện được hồ sơ năng lực, mặt khác trong quá trình thực hiện, các cán bộ của Viện cũng học hỏi được kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn.
Điển hình như khi thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”, Viện đã phối hợp với hãng HAM (Đức) trong thiết kế cơ sở, sau đó tự tiến hành triển khai thiết kế chi tiết. Hay như tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Viện đã hợp tác với Eco-Kondo (Nga) thiết kế, cung cấp toàn bộ hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Tương tự, khi thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro, xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW’ tại Dự án nhiệt điện Thái Bình 1, Viện đã phối hợp với UCC (Mỹ) trong công tác thiết kế cơ sở, sau đó tự tiến hành triển khai thiết kế chi tiết.
Trạm trộn bê tông siêu tính năng (UHPC), kiểu di động do Viện IMI chế tạo được ứng dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Viện IMI)
Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) cũng là một ví dụ thực hiện tự chủ thành công của ngành Công Thương. Đây là đơn vị nghiên cứu đầu tiên của Bộ Công Thương chuyển thành công ty cổ phần và hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp. Tiền thân là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, năm 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành quyết định cổ phần hóa và chuyển Viện IMI thành doanh nghiệp KH&CN theo hình thức công ty cổ phần kể từ ngày 27/12/2013.
Ông Hoàng Việt Hồng - Tổng Giám đốc Viện IMI cho biết, tự chủ tàì chính cho phép Viện xây dựng được một cơ chế hoạt động rõ ràng minh bạch, nguyên tắc làm việc thống nhất, cơ chế khuyến khích động viên các nhà khoa học đổi mới sáng tạo,… Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà khoa học, người lao động sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của IMI.
Hoạt động tự chủ theo mô hình doanh nghiệp KH&CN đã giúp Viện IMI chuyển giao thành công nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tiêu biểu, các sản phẩm cơ điện tử đã chuyển giao vào sản xuất công nghiệp: Máy công cụ 3 - 5 trục điều khiển CNC; máy cắt, máy hàn bằng plasma, laser điều khiển CNC; thiết bị đo lường, robot ứng dụng trong công nghiệp: Các loại cân toa xe, cân ô tô, cân băng tải, cân đóng bao tự động; trạm trộn bê tông xi măng tự động,…
“Thông qua các hợp đồng cung cấp thiết bị gắn với chuyển giao công nghệ, các sản phẩm cơ điện tử của Viện IMI đã thay thế nhập ngoại phục vụ tốt cho nhu cầu trong nước và một số sản phẩm công nghệ đã được xuất khẩu. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt như đem lại doanh thu trung bình 500 tỷ đồng mỗi năm cho Viện IMI và các đơn vị thành viên; tiết kiệm ngoại tệ trung bình 5-7 triệu USD/năm”, ông Hoàng Việt Hồng – Tổng Giám đốc Viện IMI nhấn mạnh.
Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp cũng định hướng đẩy mạnh các dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng Ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ nhằm đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn nữa trong thời gian tới. "Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho phép tự chủ trong sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng Ngân sách Nhà nước. Do đó, Viện định hướng phát triển dịch vụ khoa học công nghệ không sử dụng Ngân sách Nhà nước đồng thời theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng vào phát triển lĩnh vực dịch vụ gốm sứ thủy tinh kỹ thuật kết hợp với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tận dụng các cơ hội đầu tư đổi mới các trang thiết bị thí nghiệm, thử nghiệm hiện đại đồng bộ từ chế biến nguyên liệu đến sản xuất sản phẩm", TS. Chu Văn Giáp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp cho biết. 
"Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nhằm khuyến khích tính năng động, sáng tạo trong các hoạt động của đơn vị là một trong những định hướng nhiệm vụ của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2030" - ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết.
Hà Nguyễn
lên đầu trang