Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:12

Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:12

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:47 ngày 31/05/2022

PC Bắc Giang: Thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

Thực hiện chỉ đạo về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tăng tiện ích cho khách hàng, Công ty Điện lực (PC) Bắc Giang tích cực triển khai việc thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, trong đó tập trung vào hình thức thanh toán tiền điện tự động không dùng tiền mặt.
Cán bộ Điện lực Hiệp Hòa (PC Bắc Giang) hướng dẫn người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Công ty Điện lực Bắc Giang hiện đang quản lý và bán điện cho gần 600 nghìn khách hàng sử dụng điện. Trong đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chiếm 85%. Để đa dạng các phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty đã ký hợp đồng thu hộ tiền điện với 8 ngân hàng gồm: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MBBank, HDBank, MSB, Techcombank và 9 đơn vị trung gian gồm: Bưu điện tỉnh, Viettel, Payoo, MoMo, Vimo, ZaloPay, VNPAY, VNPTPAY, NAPAS. 
 
Bên cạnh nộp tiền điện theo cách truyền thống, khách hàng có thể thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ của ngân hàng bằng nhiều hình thức như: Chuyển khoản, ủy nhiệm chi qua tài khoản tại ngân hàng, thanh toán qua thẻ ATM, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử. Với việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng không tốn chi phí khác mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác, tránh tình trạng bị cắt điện do quên thanh toán.
 
Theo anh Đinh Quang Huy, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), công tác tại xã Tiền Phong (Yên Dũng), hằng tháng, khi nhận được tin nhắn của điện lực thông báo số tiền phải thanh toán, anh dùng điện thoại để thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ Internet Banking của ngân hàng. “Sử dụng hình thức thanh toán này, gia đình tôi không phải mất công và thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây. Hơn nữa lại không mất chi phí dịch vụ”, anh Huy chia sẻ.
 
Gần 2 năm nay, gia đình chị Trần Thị Oanh, thị trấn Bích Động (Việt Yên) không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện do quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Trước kia, do thường xuyên phải đi làm xa dài ngày nên có thời điểm chị quên không nhờ người đóng tiền điện kịp thời và bị cắt điện. Giờ đây, chị có thể dễ dàng thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ thanh toán tiền điện tự động của ngân hàng. 
 
Chị Oanh nói: “Đến kỳ đóng tiền điện, ngân hàng sẽ tự động thanh toán theo chỉ số công tơ. Việc thanh toán tiền điện tự động không dùng tiền mặt giúp tôi tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng do luôn nắm được thông báo của ngành điện về điện năng sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng và minh bạch. Tôi thấy dùng dịch vụ này khá tiện ích”.
 
Ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Bắc Giang thông tin, không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp ngành Điện nâng cao năng suất lao động; thuận lợi trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. 
 
Do đó, đơn vị đã chủ động hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với các ngân hàng và tổ chức trung gian; tăng cường tuyên truyền, cách thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đến người dân, đa dạng phương thức thanh toán và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán tiền điện.
 
Mặc dù có những ưu thế nhưng việc triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt còn gặp khó khăn. Mục tiêu của Công ty là đến giai đoạn 2025 tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 100%; số khách hàng thanh toán tiền điện tự động đạt 20% vào năm 2022 trong tổng số khách hàng. Tuy nhiên số khách hàng đăng ký dịch vụ thanh toán qua tài khoản ngân hàng tự động hiện có 43.179 khách hàng, đạt tỷ lệ 7,5% thấp hơn so với kế hoạch Công ty đề ra trong năm 2022.
 
Nguyên nhân là do nhiều người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt. Phần lớn người dân đi nộp tiền điện là người cao tuổi, ít tiếp cận với công nghệ nên chưa nắm bắt được các hình thức thanh toán trực tuyến hiện nay. Cơ sở hạ tầng hệ thống phục vụ hoạt động động thanh toán chưa đồng bộ. Địa chỉ giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian đều tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, trong khi số lượng khách hàng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn khoảng gần 70% không có điều kiện tiếp cận các hình thức thanh toán điện tử.
 
Trước thực tế này, Công ty Điện lực Bắc Giang đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân nắm bắt được tiện ích khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện 100% cán bộ, nhân viên và người lao động của Công ty thực hiện hình thức thanh toán tiền điện tự động qua tài khoản ngân hàng. 
 
Trong tháng 5 đã có Điện lực Lục Ngạn phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản tiếp tục chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huyện; UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động đăng ký sử dụng hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. 
 
Huyện Lục Ngạn, một số địa phương đưa kết quả triển khai đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là một trong những tiêu chí để xem xét đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị.
 
Liên quan đến nội dung này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 164/QĐ-UBND, ngày 16/2/2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 1813/QĐ-TTG ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 
 
Theo đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, huyện, TP đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích các trường học, bệnh viện, điện lực, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo: Báo Bắc Giang
lên đầu trang