Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 23:06

Thứ năm, 02/05/2024 | 23:06

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:13 ngày 05/07/2022

Đại học Điện lực tăng cường nghiên cứu khoa học có hàm lượng công nghệ cao

Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ gắn kết với thực tiễn sản xuất, trong những năm gần đây, Trường Đại học Điện lực đã chú trọng công tác nghiên cứu, phát triển khoa học tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, góp phần giải quyết những tồn tại và thách thức cho ngành điện. 
Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các nhà khoa học của Trường Đại học Điện lực đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thành công nhiều quy trình công nghệ và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đáng chú ý, các sản phẩm của trường đều được doanh nghiệp và xã hội nghi nhận, đánh giá cao khi áp dụng trong thực tế.
Điển hình là đề tài “Nghiên cứu, phát triển, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống điều khiển phân tán (DCS) đối với thiết bị bù nhằm nâng cao chất lượng điện áp tại các phụ tải ngành công nghiệp”. Đề tài đã phát triển và làm chủ công nghệ thiết kế hệ thống điều khiển phân tán (DCS) đối với các thiết bị bù trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...Đồng thời, đề tài đã chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống DCS các thiết bị bù nhằm nâng cao chất lượng điện tại phụ tải ngành công nghiệp. Đại diện Trường Đại học Điện lực cho biết, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống này để nâng cao chất lượng điện thông qua điều chỉnh dung lượng bù của các tủ bù công suất phản kháng đặt phân tán, mỗi tủ có công suất 100 KVAr.
Hay như đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát điều khiển lưới điện phân phối trực quan” đã xây dựng thành công hệ thống quản lý vận hành lưới điện trực quan bám sát quy trình quản lý lưới điện thực tế, dễ nhập liệu, dễ quản lý, dễ sử dụng và tích hợp được dữ liệu từ các hệ thống đang dùng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đáng chú ý, hệ thống này không chỉ đảm bảo tính an toàn và bảo mật, khắc phục được cơ bản các hạn chế của các hệ thống đã có mà còn có tính mở cao, có thể tích hợp thêm các module, tính năng, thiết bị điện thông minh để tạo thành một hệ thống lưới điện thông minh hiệu quả. 
Theo Số liệu công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu WoS, Scopus của các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014-2018, Trường Đại học Điện lực nằm trong top 30 cơ sở giáo dục đại học có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất. (Ảnh: epu.edu.vn)
Với đề tài “Nghiên cứu mô hình mô phỏng thu thập, phân tích dữ liệu và tính toán tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối”, các nhà khoa học Trường Đại học Điện lực đã nghiên cứu và phát triển được một hệ thống mô hình mô phỏng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý vận hành, tính toán bù tối ưu công suất phản kháng và dự báo phụ tải ngắn hạn cho lưới điện phân phối. Mô hình sử dụng thuật toán hiện đại, tốc độ cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi cho lưới điện phân phối tại Việt Nam.
Trong khi đó, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của hồ chứa vùng thượng nguồn tới sự chuyển tải cát bùn lơ lửng và các chất gắn kết (C, N, P, Si) trong nước vùng hạ lưu sông Hồng” đã đánh giá được thay đổi chuyển tải cát bùn lơ lửng và các chất gắn kết vùng hạ lưu sông Hồng, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới các chu trình sinh - địa - hóa trong nước cửa sông, ven biển. Kết quả của đề tài đã góp phần nâng cao hiểu biết về mối liên hệ giữa tác động của con người (cụ thể là việc xây dựng hàng loạt các hồ chứa vùng thượng nguồn) tới chất lượng nước và môi trường sinh thái vùng hạ lưu, cửa sông ven biển.
Đặc biệt, đón đầu xu hướng sử dụng điện mặt trời áp mái, Trường Đại học Điện lực đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ BIPV (Building Integrated PhotoVoltaics) - Pin mặt trời được tích hợp một phần, hoặc hoàn toàn với thành phần xây dựng của toà nhà, là một thành phần trong kết cấu của toà nhà như các vách bao che bên ngoài, mái che, hay cửa sổ. Việc nghiên cứu, ứng dụng thành công BIPV vào thực tiễn tại trường đã mở ra hướng phát triển mới cho điện mặt trời tại các đô thị lớn ở Việt Nam. 
Có thể nói, nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nói chung và của các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng. Với Trường Đại học Điện lực, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đã giúp nhà trường khẳng định vị trí hàng đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực năng lượng. Với các doanh nghiệp, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường mang lại hiệu quả rõ rệt khi được ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Năm học 2020 -2021, Trường Đại học Điện Lực đã triển khai thực hiện 55 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tăng 14,5% so với năm học 2019-2020. Ngoài các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở, trường cũng chủ trì thực hiện 01 đề tài cấp nhà nước, 01 đề cấp Nghị định thư và 01 đề tài cấp thành phố. Cùng với đó, trường đã ký kết 02 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ; có 86 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế và 221 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước.
Hà Nguyễn
lên đầu trang