Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:15

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:15

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 14:38 ngày 04/07/2022

Kon Tum không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong quý II/2022

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) quý II /2022 trên địa bàn. 
Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh phối hợp với UBND huyện Sa Thầy tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 với 500 người tham dự. Ngành Y tế tỉnh Kon Tum cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị địa phương, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trên sóng truyền hình, sóng phát thanh, các lớp tập huấn quy định của pháp luật và kiến thức về ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các sản phẩm truyền thông.
Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tom được tổ chức tại huyện Sa Thầy. (Nguồn ảnh: https://www.tuyengiaokontum.org.vn)
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã tổ chức 02 lớp tập huấn về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP với các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tuyên truyền về các quy định pháp luật ATTP thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn công khai kết quả kiểm tra 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản đủ điều kiện ATTP và công khai việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm,...
Trong quý II/2022, ngành Công Thương tỉnh thông qua việc kiểm tra đã tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kịp thời cung cấp thông tin các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum tích cực tuyên truyền về ATTP, sản xuất và đưa vào phát sóng các trailer, nhạc cắt về ATTP, chú trọng thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về ATTP, nhất là các gương điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc ATTP; biên dịch, biên tập từ tiếng phổ thông sang 04 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ -Triêng, Gia Rai)  để phát sóng trên kênh KRT,...
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thực hiện ký cam kết với 50 cơ sở không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum kiểm tra ATTP. (Nguồn ảnh: https://kontum.dms.gov.vn)
Dựa trên nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương, UBND tỉnh Kon Tum đã lên kế hoạch xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn và đạt được một số kết quả, cụ thể: duy trì, phát triển 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7.919 ha, hình thành 07 cánh đồng lớn với 04 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất; 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín; 29 tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến  với tổng diện tích 785,4956 ha; có 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao. Ngoài ra, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ để lựa chọn ra những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện địa bàn để chuyển giao cho người nông dân.
Hiện nay trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã thành lập 02 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích 5,1 ha và đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Đăk Hà tiếp tục duy trì các vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm an toàn với diện tích 17.300 ha, sản lượng khoảng 110 nghìn tấn, sản phẩm thực phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê khoảng 36 nghìn tấn. Tại huyện Sa Thầy đã quy hoạch 3,9 ha vùng sản xuất rau quả an toàn, các hộ trồng rau được tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,... Đến nay huyện Sa Thầy  có 135 hộ cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất rau an toàn cho người dùng; duy trì khu vực bán rau an toàn tại Trung tâm thương mại huyện.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Y tế tỉnh đã thành lập 01 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và 01 đoàn kiểm tra chuyên ngành, đã kiểm tra 98 cơ sở, trong đó 94 cơ sở đạt tiêu chuẩn đảm bảo ATTP. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh, kiểm tra 46 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền là 6.000.000 đồng. Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 04 cơ sở với số tiền 16.000.000 đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra độc lập 33 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 04 cơ sở với số tiền là 3.750.000 đồng, kiểm tra liên ngành 209 cơ sở và không phát hiện sai phạm.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng thành lập 10 đoàn kiểm tra ATTP cấp huyện, 74 đoàn cấp xã. Kết quả kiểm tra 1.458 cơ sở có 1.228 cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP, tỷ lệ 84,2%; xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở với số tiền là 3.000.000 đồng; tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 11 cơ sở với 19 loại sản phẩm gồm 68,33 kg thực phẩm rắn và 56,95 lít thực phẩm lỏng; kiểm nghiệm bằng test nhanh 21 mẫu thực phẩm, kết quả 21 mẫu đều âm tính.
Tỉnh Kon Tum hiện có 7.383 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm. Số cơ sở được kiểm tra vấn đề ATTP là 1.655 cơ sở, trong đó có 1.411 cơ sở đạt chuẩn, đủ điều kiện đảm bảo ATTP, chiếm tỷ lệ 85,3%. Trong quý II/2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. 
Nhật Quang 
lên đầu trang