Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 09:05

Thứ tư, 08/05/2024 | 09:05

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:23 ngày 01/07/2022

Giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong giai đoạn bình thường mới

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới”. Hội thảo đã nêu bật nhiều giải pháp tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm trong giai đoạn bình thường mới.
Hội thảo có sự tham dự của ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng; cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở, ngành, hiệp hội, hội; các tổ chức kinh tế, thương mại; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: congthuong.vn)
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua sự kiện này, các cơ quan quản lý, các hiệp hội, các trường - viện, các tổ chức kinh tế, thương mại, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, các cơ quan thông tấn báo chí cùng chung tay chia sẻ và tăng cường công tác truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm...
Chương trình được chia thành hai phiên họp là phiên tham luận và phiên thảo luận. Tại phiên đầu tiên, các đại biểu đã lắng nghe những tham luận của đại diện các cơ quan quản lý, những bài tham luận này đã nêu bật được các giải pháp cụ thể trong thời điểm bình thường mới. Tại phiên họp thứ hai, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, đồng thời giải đáp thắc mắc của các đại biểu tham dự và phóng viên báo chí.
Nhiệm vụ đảm bảo cung ứng hàng hoá, thực phẩm an toàn
Tại hội thảo, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chia sẻ về những khó khăn trong thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hoá, thực phẩm an toàn.
Cụ thể, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết trong năm 2020 và 2021, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong tình hình đó, Vụ Thị trường trong nước đã có nhiều hoạt động như tham mưu kịp thời với các đơn vị liên quan xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp có phương án đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh, cũng như có kế hoạch cung ứng cho các địa phương khi cần thiết…
"Với các giải pháp đã thực hiện, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng âm 4.6% nhưng đối với nhóm hàng hoá lương thực thực phẩm vẫn tiếp tục tăng trưởng với mức 10.6% và qua đây thấy răng người dân luôn luôn được đảm bảo đầy đủ, cung ứng hàng hoá thiết yếu trong mọi tình huống" - bà Lê Việt Nga cho biết.
Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề xuất những giải pháp cụ thể trong cuộc cuộc bảo đảm cung ứng hàng hoá trong và sau đại dịch. (Ảnh: Chụp màn hình)
Cuối năm 2021, dịch Covid đang dần được kiểm soát, Chính phủ đã chuyển sang vận hành nền kinh tế, vận hành xã hội theo giai đoạn bình thường mới, phục hồi nền kinh tế và bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi đã phối hợp để tổ chức những gian hàng quốc gia Việt, phối hợp phân phối sản phẩm trên những kênh chính thống được sự quản lý của Cục Quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đưa các sản phẩm đủ chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm lên các kênh phân phối."
Theo bà Lê Việt Nga, trong thời gian tới cần hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại việt nam bền vững, đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường và được dán nhãn sinh thái. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ tại trung tâm quận thị xã, thành phố hiện nay theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Vượt qua thách thức của hàng rào kỹ thuật, thúc đẩy thị trường xuất nhập khẩu 
Hiện nay, các biện pháp đảm bảo đáp ứng về yêu cầu an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng, nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi. 
Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin, khẩn trương thống nhất phương án triển khai đáp ứng các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện hoạt động tuyên truyền, giải đáp.
Ông Nguyễn Việt Tấn (bên trái) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: chụp màn hình)
Cũng theo ông Nguyễn Việt Tấn, hiện nay Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt hàng thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập và những xu hướng phát triển về công nghệ, chính trị, thương mại. Điều này đặt ra cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm ngành Công Thương những nhiệm vụ và yêu cầu mới.
Đầu tiên, cần tiếp tục bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương. 
Tiếp đó, cần tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng. Đồng thời nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về "biện pháp TBT", "biện pháp SPS" của các quốc gia nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới.
Đảm bảo công bằng trên các sàn thương mại điện tử
Hiện nay, hàng hoá được giới thiệu trên các Website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng bán hàng như: Shopee, Lazada, Tiki, Chotot.vn, Sendo… rất phong phú, đa dạng với hàng ngàn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại trên các sàn TMĐT hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức theo dõi thông tin, nắm tình hình địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật về TMĐT của các thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời chủ trì, phối hợp xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT.
Ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. (Ảnh: chụp màn hình)
Đặc biệt, cần tập trung kiểm soát website TMĐT như: kiểm soát về giao kết hợp đồng của website thương mại điện tử (Cung cấp các điều khoản của hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến, đề nghị giao kết hợp đồng, trả lời đề nghị giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết hợp đồng, chấm dứt giao kết hợp đông); kiểm soát an toàn, an ninh trong giao dịch thương mại điện tử (Trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhận trong thương mại điện tử, trách nhiệm đảm bảo an toàn thanh toán trong thương mại điện tử).
Liên quan đến công tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT, thời gian tới Tổng cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản lý thị trường về, các cán bộ thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT của Bộ Công Thương. Trong đó chú trọng các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp 
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại các giá trị cho doanh nghiệp. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khi đó có cơ hội để sản phẩm tiếp cận tốt thị trường. Khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường.
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck cũng khẳng định, muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tiên cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất, triển khai thực hiện truy xuất sản phẩm nông sản, Công ty cổ phần iCheck đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn Quốc gia, giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện vùng trồng, nhà xưởng, vùng sản xuất và thông tin truy xuất theo các chuỗi cung ứng. Quá trình hình thành lên sản phẩm bao gồm: vật tư, con giống, vùng trồng, vùng sản xuất, nhân viên; ghi lại nhật ký điện tử quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối tới thành phẩm cuối cùng. 
Hội thảo lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến đóng góp và kinh nghiệm từ phía đại diện doanh nghiệp (Ảnh: congthuong.vn)
Hiện nay, có hơn 20.000 doanh nghiệp tin dùng giải pháp minh bạch thông tin sản phẩm của iCheck. Đặc biệt hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc gia của iCheck ra đời nhằm giúp các doanh nghiệp thực phẩm, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch thông tin với người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tại chương trình, đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam cũng có những chia sẻ về tình hình và giải pháp của phía công ty. Ông Tô Duy Hải - Trưởng ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trong tình hình bình thường mới hiện nay, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giới, đều đang hướng đến các sản phẩm thực phẩm có lợi cho sức khỏe, Acecook Việt Nam đã tiên phong trong ngành mì ăn liền, nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm bổ sung một số vi chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như thế giới, Acecook Việt Nam đang nghiên cứu và thay thế từng bước các loại bao bì sản phẩm từ nhựa khó phân hủy sang giấy và một số chất liệu có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường. Acecook Việt Nam cũng đồng hành cùng các cơ quan, hiệp hội, các đơn vị báo chí để góp phần truyền thông những luật và quy định mới tới các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và phân phối của Acecook Việt Nam và các doanh nghiệp cùng ngành, để cùng nhau nâng cao vai trò và trách nhiệm tuân thủ pháp luật.
Tại phiên thảo luận thứ hai, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương tham gia điều hành. Đại diện các cơ quan đã giải đáp thắc mắc của các đại biểu tham dự và phóng viên báo chí về các vấn đề như mức xử phạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm; những biện pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy vấn đề an toàn thực phẩm hay những giải pháp tham mưu để tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, đại diện các cơ quan cũng chia sẻ những dự kiến sẽ triển khai những giải pháp ra sao nhằm tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trên nền tảng thương mại điện tử trong thời gian tới...
Hội thảo đã mang lại những kinh nghiệm và giải pháp cụ thể từ phía cơ quan quản lý cũng như phía doanh nghiệp trong công cuộc phát triển ngành thực phẩm của Việt Nam nói chung và trong giai đoạn bình thường mới nói riêng. 
Hoàng Phương
lên đầu trang