Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 23:06

Thứ ba, 30/04/2024 | 23:06

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 17:22 ngày 13/07/2022

Kon Tum: Liên kết sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa an toàn thực phẩm

Theo UBND tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, tỉnh đã duy trì, phát triển 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7.919ha; hình thành 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Kon Tum
Bên cạnh đó, công nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đắk Hà” tại 11 xã, thị trấn thuộc huyện Đắk Hà với tổng diện tích trên 9.000ha và chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ thuộc 3 xã của huyện Đắk Glei và 6 xã của huyện Tu Mơ Rông.
Ngoài ra, có 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao. Sản phẩm OCOP bảo đảm an toàn thực phẩm, chuẩn hóa sản phẩm về quy cách, đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu. 29 tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến với tổng diện tích 785,4956ha.
Đặc biệt, các chuỗi liên kết nông thủy sản và các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn lan tỏa ở trên địa bàn các huyện như: Đắk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum.
Chẳng hạn, tại huyện Đắk Hà tiếp tục duy trì các vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm an toàn với diện tích 17.300ha. Sản lượng sản phẩm sạch an toàn được sản xuất tại huyện khoảng 110 nghìn tấn, sản phẩm thực phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê khoảng 36 nghìn tấn.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 1 vùng sản xuất cà phê nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.939ha với 4 doanh nghiệp nhà nước và 2 hợp tác xã.
Hay tại huyện Sa Thầy quy hoạch 3,9ha vùng sản xuất rau quả an toàn tại xã Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy, các hộ trồng rau được tập huấn về kỹ thuật trồng rau, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thực phẩm trước khi thu hoạch được kiểm tra các điều kiện cơ bản về đất, nước và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi bán ra thị trường. Đến nay, có 135 hộ cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất rau an toàn cho người dùng; duy trì khu vực bán rau an toàn tại trung tâm thương mại huyện.
Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quý II/2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng cho thấy, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn hiện có 7.383 cơ sở. Số cơ sở được kiểm tra về an toàn thực phẩm là 1.655 cơ sở. Số cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là 1.411 cơ sở, chiếm tỷ lệ 85,3%. Trong quý II không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra độc lập 33 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 4 cơ sở với số tiền là 3.750.000 đồng; kiểm tra liên ngành 209 cơ sở, không phát hiện sai phạm. Cục Quản lý thị trường tỉnh thực hiện ký cam kết với 50 cơ sở không buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngành y tế thành lập 01 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm và 01 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, 98 cơ sở đã được kiểm tra, 94 cơ sở đạt tiêu chuẩn, kết quả đều âm tính. Tỉnh cũng thành lập 10 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm cấp huyện, 74 đoàn cấp xã. Kết quả kiểm tra 1.458 cơ sở, trong đó 1.228 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tỷ lệ 84,2%.
Kon Tum còn triển khai tổ chức đường dây nóng về an toàn thực phẩm, với tổng số đường dây nóng trên địa bàn tỉnh là 318 (tuyến tỉnh 3, tuyến huyện 215, tuyến xã 100). Trong quý II/2022 không tiếp nhận và xử lý vụ vi phạm nào về an toàn thực phẩm.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang