Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 18:57

Thứ năm, 02/05/2024 | 18:57

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:16 ngày 23/08/2022

PC Ninh Thuận ứng dụng chương trình RTM nâng cao hiệu quả quản lý nguồn điện mặt trời mái nhà

Được sự chia sẻ từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Công ty điện lực Ninh Thuận là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc EVN SPC ứng dụng chương trình “Hệ thống quản lý nguồn phân tán cho khối Điều độ - Module quản lý ĐMTMN - RTM (Rooftop Manage)” (gọi tắt là chương trình RTM) vào trong công tác quản lý, giám sát, theo dõi vận hành nguồn điện mặt trời mái nhà.
Tỉnh Ninh Thuận đã và đang áp dụng mô hình điện mặt trời mái nhà, mang lại hiệu quả và năng suất cao (Ảnh: www.evnspc.vn/)
Với vị trí địa lý thuận lợi, từ lâu, địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng các mô hình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), góp phần đa dạng nguồn cung ứng điện và tiết kiệm năng lượng. Cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Điện lực Ninh Thuận (PC Ninh Thuận) đang quản lý 3.654 khách hàng có nguồn điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất lắp đặt là 393,995MWp, tương đương 315,196MW. Trong đó, có 517 khách hàng đấu nối lưới trung áp với tổng công suất là 323,794MWp và 3.137 khách hàng đấu nối lưới hạ áp với công suất là 70,2MWp.
Với một lượng truyền tải lớn từ nguồn ĐMTMN đã làm thay đổi tính chất, biểu đồ phụ tải lưới điện của PC Ninh Thuận, dẫn đến công tác tính toán, thống kê, lập phương thức vận hành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thông số đầu vào là biến động của thời tiết khiến công tác dự báo công suất phát nguồn ĐMTMN trong dài hạn (xa hơn 2 ngày) sẽ có sự sai số lớn.
Từ những vấn đề đó, PC Ninh Thuận đã ứng dụng chương trình “Hệ thống quản lý nguồn phân tán cho khối Điều độ - Module quản lý ĐMTMN - RTM (Rooftop Manage)” (gọi tắt là chương trình RTM) vào trong công tác quản lý, giám sát, theo dõi vận hành nguồn ĐMTMN. 
PC Ninh Thuận là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc EVN SPC ứng dụng chương trình RTM (Ảnh: www.evnspc.vn/)
Chương trình RTM do A0 phát triển, được xây dựng trên cơ sở phân tích các nguồn dữ liệu vận hành trong hệ thống điện Việt Nam; nguồn dữ liệu bức xạ theo thời gian thực; khả năng dự báo thời tiết, bức xạ mặt trời chi tiết đến phạm vi 2x2km2,…. từ đó tạo cơ sở cho việc dự báo khả năng nguồn phát theo từng khu vực, từng địa phương cụ thể. 
Đặc biệt, chương trình RTM có các tính năng như Giám sát trong ngày: Cho phép người dùng xem dự báo khả năng nguồn phát, thực phát theo thời gian thực trong ngày đối với từng trạm biến áp 110kV và tổng hợp nguồn của toàn Công ty Điện lực; Dự báo: Cho phép người dùng xem dự báo khả năng nguồn phát từ ngày hiện tại (D) đến ngày thứ 14 (D+14) đối với từng trạm biến áp 110kV và tổng hợp nguồn của toàn Công ty Điện lực; Quản lý thông tin: Cho phép người dùng thay đổi thông tin công suất đặt của nguồn ĐMTMN đấu nối vào lưới trung, hạ áp của một trạm 110kV. Thông tin ở mục này sẽ tùy biến theo thực tế vận hành hàng ngày và do người dùng tính toán, cập nhật…
Theo chia sẻ của đại diện PC Ninh Thuận, ưu điểm của hệ thống là đáp ứng được kỳ vọng của cấp điều độ phân phối trong việc tính toán dự báo khả năng nguồn phát của ĐMTMN, giúp giảm khối lượng công việc hơn so với trước đây. Đồng thời, dự báo được với thời gian dài hơn (đến ngày D+14) so với chương trình trước chỉ có (D+2). Ngoài ra, kết quả dự báo từ chương trình có sai số nhỏ hơn so với các công cụ đã thực hiện và giao diện chương trình rất trực quan, sinh động, thân thiện và dễ thao tác,…
Có thể thấy, chương trình “Hệ thống quản lý nguồn phân tán cho khối Điều độ - Module quản lý ĐMTMN - RTM” là một công cụ hữu hiệu trong việc dự báo, giám sát nguồn năng lượng phân tán cho các đơn vị điều độ, phục vụ tốt công tác vận hành hệ thống nguồn lưới điện trong điều kiện nguồn phân tán xâm nhập lớn, gây nhiều khó khăn cho công tác điều độ, vận hành hệ thống điện trong thời gian qua.  
Phương Loan
lên đầu trang