Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 07:52

Thứ năm, 02/05/2024 | 07:52

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:58 ngày 05/10/2022

PC Hà Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số

Thời gian qua, PC Hà Nam đã triển khai nâng cấp, ứng dụng nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thu được nhiều kết quả khả quan
Với mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã triển khai nâng cấp, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đồng thời, việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình còn góp phần hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, nhất là khi đây là một trong những trọng tâm quan trọng, đưa Việt Nam phát triển trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ. 
Chuyển đổi từ công tác sản xuất...
Đối với công tác sản xuất, thời gian qua, PC Hà Nam đã tiến hành ứng dụng nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, Trong đó, việc lưu trữ, số hóa hồ sơ là một trong những thành quả quan trọng của đơn vị này, giúp khắc phục triệt để các tồn tại của hình thức lưu trữ truyền thống, nâng cao tuổi thọ của tài liệu gốc cũng như tiết kiệm diện tích lưu trữ. Theo số liệu công bố năm 2021, trong công tác chỉnh lý, số hóa tài liệu, PC Hà Nam đã tiến hành số hóa được hơn 200 cặp và hoàn thành 100% công tác tự sàng lọc, sắp xếp, phân loại chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn động và 100% hồ sơ giấy đã chỉnh lý.
Ngoài ra, PC Hà Nam còn tiến hành nâng cấp, số hóa các công tơ sang công tơ điện tử. Điều này đã giúp cắt giảm không nhỏ số lượng nhân viên hiện trường đi chốt số công tơ hàng tháng, mà còn hỗ trợ đơn vị cùng khách hàng có thể dễ dàng theo dõi, kiểm tra lượng điện tiêu thụ và số tiền điện hàng tháng một cách thường xuyên, minh bạch. Cũng theo số liệu được công bố đến hết tháng 10/2021, PC Hà Nam đã tiến hành lắp đặt 106.361 công tơ điện tử có dữ liệu đọc xa về Trung tâm chăm sóc khách hàng. Trong đó, số lượng công tơ đọc xa có khả năng giúp khách hàng tự tra cứu được là 103.472 công tơ, đạt tỷ lệ 97,28%. 
Để củng cố nền tảng, cơ sở hạ tầng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, PC Hà Nam còn tiến hành nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, giúp nâng cao khả năng năng kết nối các hệ thống điện tử, hệ thống đo đếm, tự động hóa lưới điện phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kỹ thuật ngoài hiện trường như: Kiểm tra đường dây và trạm biến áp phân phối; công tác thí nghiệm, kiểm định an toàn thiết bị; sử dụng hotline để hạn chế thời gian cắt điện để vệ sinh, bảo dưỡng công nghiệp; kết nối điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt trên lưới điện qua mạng 3G, 4G; lắp đặt thiết bị cảnh báo sự cố để nhanh chóng phát hiện ra các điểm sự cố trên đường dây trung thế...
Điều hành Trung tâm Điều khiển từ xa đảm bảo chất lượng cung ứng điện và dịch vụ khách hàng (Ảnh: congthuong.vn/)
Cho đến cung cấp dịch vụ khách hàng
Từ những thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, PC Hà Nam đã tiếp tục chuyển hướng, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Trước tiên, trong dịch vụ thanh toán dành cho khách hàng, PC Hà Nam thời gian qua đã tăng cường hợp tác với các ngân hàng và những tổ chức đóng vai trò trung gian thanh toán, các ví điện tử nhằm mục tiêu triển khai đa dạng các hình thức thanh toán, giúp khách hành có thể thanh toán dịch vụ tiền điện ở mọi nơi, mọi lúc. Do đó, trong việc thanh toán tiền điện hàng tháng, thay vì sử dụng tiền mặt như trước đây, khách hàng có thể lựa chọn sử dụng nhiều dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi như: trích nợ tự động, mobile banking, Internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website điện lực.
Hướng dẫn khách hàng đăng ký cấp điện mới trên cổng DVC Quốc gia (Ảnh: pchanam.npc.com.vn/)
Bên cạnh đó, PC Hà Nam cũng tăng cường triển khai các dịch vụ điện trực tuyến, dịch vụ đăng ký/hủy hợp đồng mua bán điện, bao gồm: Thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 01 pha, 03 pha; Thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; Thay đổi mục đích sử dụng điện; Thay đổi chủ thể HĐMBĐ; Gia hạn HĐMBĐ hay Chấm dứt HĐMBĐ... sang sử dụng 100% phương thức điện tử. Kết quả thu được đã giúp giảm tải phần lớn các hoạt động giao dịch thủ công của khách hàng, chuyển sang hình thức trực tuyến, nâng cao hiệu quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. 
Tính lũy kế 8 tháng đầu năm, đối với dịch vụ điện trực tuyến, nội dung dịch vụ cung cấp điện mới, các phòng giao dịch của PC Hà Nam đã tiếp nhận và giải quyết cấp điện cho 6.630 khách hàng mới. Trong đó, PC Hà Nam có 6.151 yêu cầu về dịch vụ điện của khách hàng đăng ký qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đạt tỷ lệ 92,77% tổng số yêu cầu về dịch vụ điện; 6.135 yêu cầu được tiếp nhận và giải quyết theo phương thức điện tử. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt 99,75%.
Khách hàng tự đăng ký dịch vụ cấp điện mới qua cổng DVC Quốc gia tại nhà (Ảnh: pchanam.npc.com.vn/)
Những nỗ lực của PC Hà Nam trong công tác chuyển đổi số thời gian qua là xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sử dụng các dịch vụ, tạo ra sự minh bạch trong công tác quản lý, cung cấp dịch vụ. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số hiệu quả còn giúp nâng cao năng suất lao động của cán bộ, nhân viên công ty, giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực không nhỏ cho công ty. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các đơn vị và cán bộ công nhân viên, công cuộc chuyển đổi số của PC Hà Nam chắc chắn sẽ được đẩy mạnh, thành công hơn trong thời gian tới. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ trong công tác chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Quang Ngọc


lên đầu trang