Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 02:09

Thứ tư, 01/05/2024 | 02:09

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 14:42 ngày 06/10/2022

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, xây dựng mô hình chợ thí điểm

Truy xuất nguồn gốc, xây dựng mô hình chợ thí điểm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn Thành phố, với nhiều kết quả, nhiệm vụ được đưa ra thảo luận, đánh giá. Nổi bật là nội dung về công tác truy xuất nguồn gốc, xây dựng mô hình chợ thí điểm, được ghi nhận với nhiều kết quả khả quan. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được Ban chỉ đạo Liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố tích cực quan tâm, đốc thúc triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác truy xuất nguồn gốc phải được đặt lên hàng đầu
Ngay từ đầu năm 2022, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM đã nhanh chóng đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thịt, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm tốt nhất cho người dân trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra tương đối phức tạp. Việc triển khai được thực hiện đồng đều ở tất cả các tuyến quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các ban, ngành, lực lượng chức năng trên toàn địa bàn thành phố. 
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành liên kết với 19 tỉnh, thành thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Các mã QR được cung cấp cho những đơn vị đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm thịt được sản xuất theo đúng cam kết từ: trại giống - trại nuôi - xưởng sản xuất - vận chuyển - đại lý,...
Thịt heo truy xuất nguồn gốc được bán tại chợ Bến Thành, quận 1 (Ảnh: hcmcpv.org.vn/)
Đáng chú ý, trong tháng 6/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022”. Đây là hoạt động quan trọng, nhằm tăng cường sự hiểu biết, vai trò của việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, hoạt động còn giúp phổ biến về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia và các hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thịt.
Từ các hoạt động triển khai thực tiễn đã mang đến nhiều kết quả khả quan trong công tác truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thịt. Cụ thể: Đối với công tác cấp mã code cho cơ sở tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm: lực lượng chức năng đã tiếp nhận 41 hồ sơ, tỷ lệ thực hiện giải quyết cấp code đạt 100%, với tổng sản lượng tham gia Đề án từ năm 2018 đến nay: heo thịt (1.643.832 con/năm), gà thịt (49.016.000 con/năm), trứng: (1.508.778.700 quả/năm). Ngoài ra, trong công tác truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 02 chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền đã ghi nhận số lượng xe nhập lên tới 74.877 xe, với tổng số lượng heo nhập lên tới 1.421.113 con, ghi nhận tỷ lệ 100% có vòng niêm phong. Trong đó số lượng nhập từ nguồn tỉnh ghi nhận 22.369 xe với 562.785 con lợn (chiếm 39,6%); nguồn Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 52.508 xe với 858.328 con (chiếm 60,4%).
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tiếp tục được đẩy mạnh
Song hành cùng công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, việc xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP cũng đã được TP. Hồ Chí Minh tiến hành triển khai từ giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu chính của hoạt động nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Liên ngành ATTP Thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm về tiêu chí đánh giá chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 và Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn cho thương nhân.
Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ Bến Thành (Quận 1, TP. HCM) (Ảnh: hcmcpv.org.vn/)
Đối với việc triển khai trong 9 tháng đầu năm, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM cho biết: trên địa bàn Thành phố có 25 chợ truyền thống đăng ký tham gia xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng đã tiến hành phổ biến, chia sẻ thông tin, mở các lớp tập huấn cho các thương nhân tại 16/19 chợ thực hiện mô hình thí điểm, điển hình là Chợ Tân Định (Quận 1), Chợ Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), Chợ Tân Mỹ (Quận 7), Chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Chợ Cầu Xáng (huyện Bình Chánh), Chợ Củ Chi (huyện Củ Chi). Đồng thời, Thành phố còn tiến hành tổ chức khảo sát 20/24 chợ đăng ký tham gia mô hình thí điểm về tiến độ thực hiện các tiêu chí. Mục tiêu nhằm hoàn thành công tác khảo sát và tập huấn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trong tháng 9/2022; có báo cáo tổng hợp công tác khảo sát tiến độ triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trong đầu tháng 10/2022.
Từ những kết quả đã đạt được trong công tác truy xuất nguồn gốc, xây dựng mô hình chợ thí điểm 9 tháng đầu năm 2022, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM sẽ tiếp tục triển khai, phát triển các hoạt động của nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm 2022. Mục tiêu nâng cao chất lượng các sản phẩm, đảm bảo người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn thực phẩm tươi sạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Quang Ngọc
lên đầu trang