Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:36

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:36

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 13:22 ngày 29/05/2023

Giải pháp đổ thải đất đá hiệu quả tại khu vực bãi thải Bàng Nâu, Cao Sơn

Giải pháp đổ thải đất đá bằng băng tải theo hình thức bãi thải cao không chỉ giúp khu vực bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn) đảm bảo an toàn mà còn giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.
Bãi thải mỏ Bàng Nâu có diện tích rộng trên 435 ha. Đây là nơi đổ thải đất đá từ quá trình sản xuất than của Công ty CP Than Cao Sơn thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trung bình mỗi năm, sản lượng đổ đất đá thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu ước tính lên đến khoảng 40 triệu m³. Qua nhiều năm tích tụ, khối lượng đất đá “khủng” từ quá trình sản xuất than đã tạo ra bãi thải quy mô lớn như một quả núi nhân tạo với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến trên 300m. 
Qua nhiều năm tích tụ, khối lượng đất đá “khủng” từ quá trình sản xuất than đã tạo ra bãi thải quy mô lớn như một quả núi nhân tạo (Ảnh: daibieunhandan.vn)
Do đó, trước những nguy cơ hiện hữu về nguy cơ sạt lở, ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống người dân, Công ty CP Than Cao Sơn đã phối hợp cùng Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp-Vinacomin tiến hành nghiên cứu, lựa chọn ra giải pháp đổ thải hiệu quả nhất giúp bãi thải Bàng Nâu đảm bảo an toàn và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.
Giải pháp được lựa chọn là giải pháp đổ thải đất đá bằng băng tải theo hình thức bãi thải cao. Giải pháp này đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải tìm ra sơ đồ công nghệ đổ thải hợp lý và tìm ra giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng tới công tác an toàn, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình hoạt động của bãi thải.
Trước đó, hoạt động vận chuyển đất đá thải mỏ từ khai trường Công ty CP Than Cao Sơn đến bãi thải Bàng Nâu (cung độ 7km) được thực hiện bằng ô tô tải. Theo tính toán, nếu vận chuyển khoảng 20 triệu m3 đất đá bằng ô tô trên cung độ vận tải như vậy, Than Cao Sơn cần phải mua 80 chiếc xe tải chuyên dụng, tương đương gần 1.500 tỷ đồng.
Đầu tư lớn nhưng việc vận chuyển đất đá thải mỏ hoàn toàn bằng ô tô không mang lại hiệu quả cao mà còn dễ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Chi phí sản xuất cũng sẽ gia tăng do điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, cung độ vận tải ngày một xa, để vận hành các chủng loại ô tô sẽ cần tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
Sơ đồ công nghệ đổ thải bằng băng tải. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Tuy nhiên, sau khi giải pháp đổ thải đất đá bằng băng tải được lựa chọn và triển khai đã giúp Cao Sơn xây dựng được sơ đồ công nghệ đổ thải bằng hệ thống băng tải theo hình thức bãi thải cao phù hợp với thời tiết khí hậu ở Việt Nam. Đồng thời, đề xuất được các giải pháp đảm bảo an toàn và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường khi đổ thải. Giải pháp này không chỉ phù hợp với bãi thải Bàng Nâu, Cao Sơn mà còn phù hợp cho các bãi thải khác có điều kiện tương tự.
Năm 2017, tuyến băng tải đầu tiên chính thức được đưa vào sử dụng trên khai trường mỏ than Cao Sơn. Trong năm đầu hoạt động, hệ thống đổ đất thải băng tải đã chuyển gần 13 triệu m3 đất đá và duy trì hoạt động hiệu quả cho đến nay. Sau 5 năm vận tải liên tục, hệ thống đã vận chuyển 117,5 triệu m3 đất đá thải mỏ cho Công ty CP Than Cao Sơn.
Hệ thống băng tải trên bãi thải Bàng Nâu (doanhnghiep.quangninh.gov.vn)
Theo tính toán, giá thành vận chuyển đất đá bằng băng tải thấp hơn khoảng 9.000 đồng/m3 so với vận chuyển bằng ô tô theo cung độ thực tế. Đó là chưa kể đến các hạng mục chi phí tiết kiệm được khi vận chuyển bằng băng tải, như chi phí làm đường vận chuyển, tưới nước dập bụi, san gạt bãi thải... 
Ngoài ra, việc áp dụng giải pháp đổ đất thải bằng băng tải giúp giảm khoảng 40% số lượng ô tô hoạt động, giảm mật độ xe ô tô lưu thông trên đường mỏ, tăng năng suất vận chuyển của các thiết bị, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình sản xuất. Khối lượng khí thải và bụi phát tán từ các phương tiện cũng được hạn chế, từ đó góp phần đảm bảo môi trường sản xuất và chất lượng không khí.
Giải pháp vận chuyển đất đá thải bằng băng tải đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng từ rất lâu, tuy nhiên giải pháp này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, hiệu quả của hệ thống vận tải đất đá băng tải tại mỏ than Cao Sơn trong hơn 5 năm qua được đánh giá là kết quả của tư duy đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất than của TKV và là bước tiến lớn trong công nghệ khai thác mỏ lộ thiên của ngành than.
Tố Uyên
lên đầu trang