Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 15:03

Thứ hai, 06/05/2024 | 15:03

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:47 ngày 07/08/2023

Viện Nghiên cứu cơ khí: Khẳng định vị thế dẫn dầu trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá

Trong 60 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu cơ khí đã có những bước tiến nhảy vọt trong công tác nghiên cứu, thiết kế, khẳng định năng lực làm tổng thầu EPC/EPCM cho nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Viện Nghiên cứu cơ khí là đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn hướng tới và đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. Trên thực tế, Viện là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam. Trong suốt 60 hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu cơ khí đã có những bước tiến nhảy vọt trong công tác nghiên cứu, thiết kế, khẳng định năng lực làm tổng thầu EPC/EPCM cho nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước như: thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng mới và công nghệ cao.
Trong lĩnh vực thuỷ điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công cho các công trình thuỷ điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho dự án đầu tiên là Thuỷ điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của sự phát triển ngành. Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thuỷ công cho hơn 29 công trình thuỷ điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thuỷ điện Sơn la (2400 MW) và Lai Châu (1200MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước, giảm giá thành sản phẩm, góp phần phát điện sớm 03 năm với thuỷ điện Sơn La và 01 năm với thuỷ điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án này.
Trong lĩnh vực nhiệt điện, theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025”, Viện được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Kết quả, Viện đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2.
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 do Viện Nghiên cứu Cơ khí cung cấp (Ảnh: Báo Công Thương)
Đặc biệt, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hoá đạt 50,6%, tương đương với thiết bị từ các nước G7, đây là dự án đầu tiên trong nước thực hiện mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước. Từ thành công của dự án, Viện đã được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin trưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống thải tro xỉ cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Hyundai lựa chọn thực hiện hợp đồng Hệ thống cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 trong năm 2022.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện tham gia thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/ năm. Trong đó, Viện đã thiết kế và chế tạo đồng bộ 02 tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 05km cho mỗi nhà máy. Hiện nay  các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được Chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện Dự án khoa học công nghệ quy mô lớn: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2500T clinke//ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hoá” đạt tỷ lệ nội địa hoá khoảng 40% giá trị. Đến nay, Viện đã cùng các doanh nghiệp cơ khí thiết kế, chế tạo và cung cấp thiết bị cho hầu hết nhà máy xi măng trong nước như Nghi Sơn, Hoàng Mai, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Cẩm Phả…
Trong lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện đã thành công trong thực hiện cung cấp trọn gói hệ thống phao nổi và neo cho dự án điện mặt trời Đa Mi với tổng công suất 47,5 MW. Viện đang xây dựng, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là tự động hoá các dây chuyền sản xuất công nghiệp, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.
Viện Nghiên cứu Cơ khí đã nghiên cứu và chuyển giao thành công hệ thống phân loại tự động tích hợp camera AI cho Công ty Cổ phần Tiếp vận Thế kỷ (Ảnh: Báo Công Thương)
Ngoài những chương trình lớn kể trên, Viện còn thiết kế chế tạo, ứng dụng thành công vào sản xuất nhiều dây chuyền, máy và thiết bị như dây chuyền chế biến chè, thiết bị nạo vét sông hồ cho chương trình thoát nước đô thị, thiết bị cho nhà máy sản xuất phân bón và hoá chất, dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy,...
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong suốt 60 năm qua, trong thời gian tới Viện Nghiên cứu cơ khí định hướng sẽ xây dựng Viện trở đơn vị nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá. Trong đó, trọng tâm là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, từng bước trở thành nhà thầu EPC, EPCM có uy tín trong nước và khu vực.
Với những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, các cá nhân và tập thể Viện đã được tặng thưởng nhiều giải thưởng khoa học lớn như: Giải thưởng Hồ Chí Minh; các giải Nhất, Nhì, Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Giải thưởng của các tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Giải thưởng Kovalevskaia - ghi nhận những công lao đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Ba cho tập thể Viện; Nhiều cán bộ của Viện hàng năm đều được nhận bằng khen, giấy khen của Chính phủ và các Bộ, Ngành,...
Tố Uyên

lên đầu trang