Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:35

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:35

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:43 ngày 09/08/2023

Kiểm tra giữa kỳ các nhiệm vụ KHCN tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu

Ngày 04 tháng 8 năm 2023, đoàn công tác của Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đánh giá giữa kỳ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện.
Theo đó, đoàn công tác Bộ Công Thương đã kiểm tra đánh giá giữa kỳ 04 nhiệm vụ, bao gồm: “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam” do ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư làm chủ nhiệm; “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” do TS. Lê Công Nông làm chủ nhiệm; “Chọn tạo giống vừng có năng suất, hàm lượng dầu và axit linoleic cao” do ThS. Nguyễn Thị Út làm chủ nhiệm; và “Nghiên cứu phát triển giống dừa năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp điều kiện sinh thái vùng biển đảo và bờ biển Việt Nam)” do ThS. Nguyễn Thị Mai Phương làm chủ nhiệm.

Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra đánh giá giữa kỳ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu)
Đối với nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam”, tính đến tháng 8/2023, nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, trong đó bước đầu đã phát hiện được những cây dừa cho quả vừa sáp vừa thơm mùi lá dứa. Bên cạnh đó, đã sản xuất được 18 cây dừa sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi. Hiện, 18 cây dừa sáp thơm này đang được trồng tại Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng, Tây Ninh; trong đó có 02 cây trồng năm 2019 đã bắt đầu ra hoa. Bên cạnh đó, nhiệm vụ cũng đã sản xuất được hơn 500 cây dừa giống chịu mặn và triển khai được 3ha mô hình tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Trong khuôn khổ nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu còn thực hiện 02 thí nghiệm ảnh hưởng của phân lân và số lần bón phân đến sinh trưởng của cây dừa chịu mặn, và 03 thí nghiệm phòng trừ bọ dừa cho vườn dừa chịu mặn tại Tiền Giang và Bến Tre.
Đối với nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao”, tính đến thời điểm kiểm tra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện so sánh chính quy 12 dòng lạc lai có hàm lượng dầu > 50% trong 2 vụ Đông Xuân 2021-2022 và vụ Thu Đông 2022; so sánh chính quy 25 dòng lạc đột biến từ 5 giống lạc (L14, L27, L29, TQV74 và Sen lai) có hàm lượng dầu > 50% trong 2 vụ Xuân 2022 và Thu Đông 2022. Kết quả, đã chọn được 10 giống lạc triển vọng để thực hiện khảo nghiệm diện hẹp.
Báo cáo trước đoàn công tác Bộ Công Thương, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay, nhiệm vụ đang thực hiện khảo nghiệm diện hẹp, khảo nghiệm sản xuất và nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật gieo trồng giống lạc mới vụ thứ nhất. Các nội dung còn lại của năm 2023 đang được nhóm nghiên cứu tích cực triển khai để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Với thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2024, nhiệm vụ “Chọn tạo giống vừng có năng suất, hàm lượng dầu và axit linoleic cao” do ThS. Nguyễn Thị Út làm chủ nhiệm đã thực hiện xong nội dung lai tích lũy tạo vật liệu khởi đầu qua 3 lần lai: vụ Thu Đông 2021 tại Bình Thạnh (Tp. HCM), vụ Đông Xuân 2021 - 2022 và vụ Hè Thu 2022 tại Thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh). Kết quả đã tạo được 16 tổ hợp lai theo hướng có năng suất và hàm lượng dầu cao và 16 tổ hợp lai theo hướng có năng suất, hàm lượng acid linoleic cao.
Đáng chú ý, nhiệm vụ đã chọn lọc được 500 dòng lai và tiến hành so sánh sơ bộ trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023 tại Tây Ninh. Kết quả, đã chọn được 100 dòng lai triển vọng có năng suất và hàm lượng dầu cao, 98 dòng lai triển vọng có năng suất và hàm lượng acid linoleic cao. Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện nội dung so sánh sơ bộ các dòng lai (vụ 2) trong vụ Hè Thu 2023 tại Tây Ninh.
Trong khi đó, nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển giống dừa năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp điều kiện sinh thái vùng biển đảo và bờ biển Việt Nam)” đã triển khai trồng khảo nghiệm 12 giống dừa cao và 12 giống dừa lùn triển vọng tại các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang. Bước đầu theo dõi cho thấy, các giống có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở các điểm nghiên cứu.
Trong giai đoạn 4/2021 - 4/2023, nhiệm vụ đã đánh giá được thực trạng canh tác dừa vùng biển đảo và bờ biển Việt Nam, xác định được địa điểm trồng các giống dừa lùn và các giống dừa cao tại các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang phù hợp với tiêu chí chọn điểm của nhiệm vụ.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cũng đã bố trí các thí nghiệm về chế độ tưới và phòng trừ sâu bệnh cho cây dừa tại các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang.
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu hiện là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ có 04 bộ môn nghiên cứu về Nông sinh học và Công nghệ chế biến gồm; 01 Trung tâm Phân tích và Kiểm định; 01 Trung tâm Tư vấn Đầu tư, Chuyển giao Công nghệ và Môi trường; 02 Trung tâm sản xuất thực nghiệm tại Bến Tre và Tây Ninh; 01 Trạm Thực nghiệm.
Viện có chức năng nghiên cứu, tư vấn, thiết kế; chuyển giao công nghệ; sản xuất kinh doanh giống cây có dầu và các sản phẩm công nghệ chế biến dầu, tinh dầu; phục vụ sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp của đất nước.
Hà Nguyễn

lên đầu trang