Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 03:29

Thứ hai, 29/04/2024 | 03:29

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:59 ngày 07/09/2023

Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2023

Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4251/KH-SCT ngày 28/8/2023 về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023.
Tết Trung thu truyền thống năm 2023 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng bánh trung thu và các sản phẩm thực phẩm khác như bánh kẹo, trái cây,... của người dân tăng cao. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng hàng hóa vẫn còn tồn tại một số cơ sở vì lợi nhuận đã cố tình sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, sản xuất không bảo đảm quy trình vệ sinh hoặc kinh doanh sản phẩm nhập lậu, trôi nổi trên thị trường, không bảo đảm an toàn.

Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2023
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu và thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em trên địa bàn TP. Hà Nội đón Tết Trung thu vui tươi, an toàn, đầm ấm… Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4251/KH-SCT ngày 28/8/2023 về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều dịp Tết Trung thu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, sản phẩm bánh trung thu trên địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Các cơ sở nhập khẩu bánh trung thu phải thực hiện việc tự công bố sản phẩm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành có liên quan.
Triển khai hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm lĩnh vực kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương, trong đó chú trọng các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát…; phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác kiểm tra.
Trường hợp cơ sở tiến hành hoạt động kinh doanh thực phẩm qua hình thức thương mại điện tử thì hoạt động kiểm tra bao gồm cả việc chấp hành quy định của pháp luật về thương mại điện tử theo quy định,…
Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, trung tâm thương mại tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trực thuộc chấp hành tốt quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm kinh doanh, cung ứng đầy đủ các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu bảo đảm về chất lượng và số lượng, ổn định về giá cả, niêm yết giá bán đầy đủ.
Đồng thời đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội chủ động và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong sản xuất, lưu thông, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành công thương quản lý, trong đó chú trọng các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát,..; tăng cường quản lý nguồn thực phẩm nhập khẩu cũng như nhập từ các tỉnh lưu thông vào tiêu thụ tại Hà Nội. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương đề nghị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các điểm kinh doanh bánh trung thu không có địa điểm cố định, các sản phẩm bánh trung thu giá rẻ, thời hạn sử dụng dài,... có nguồn gốc sản xuất trên địa bàn hoặc từ ngoài thành phố. Đặc biệt, kiên quyết loại bỏ các điểm kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu không đúng nơi quy định, không đảm bảo an toàn thực phẩm và vi phạm trật tự công cộng.
Kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử, không đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, kinh doanh qua mạng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, sản phẩm có chứa chất độc hại,…
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu. Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn thành phố từ khâu sản xuất, đến lưu thông, phân phối và tiêu dùng.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp Tết Trung thu. Tìm hiểu kỹ, lựa chọn, nhận biết và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin liên quan đến các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, tiêu thụ bánh, kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang