Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 12:15

Thứ hai, 29/04/2024 | 12:15

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:28 ngày 07/09/2023

Đại học Công Thương TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học về an toàn thực phẩm

Vừa qua, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ – Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” lần thứ 7 năm 2023.
Hội thảo có sự tham gia của Ban lãnh đạo Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, các giáo sư, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên đến từ 32 trường đại học, học viện, viện và trung tâm nghiên cứu trên cả nước. Cùng các cơ quan và hiệp hội như: Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ các Nhà khoa học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh).
Ban tổ chức tặng hoa Hội đồng Giám khảo. (Ảnh: huit.edu.vn)
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm vấn đề an ninh lương thực quốc gia, qua đó góp phần giải quyết tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng trên toàn thế giới. Đồng thời, tạo cơ hội để giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu giữa các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, nông nghiệp tại Việt Nam.
Đối tượng tham gia hội thảo là các nghiên cứu viên trẻ, nhà khoa học, giảng viên trẻ và sinh viên của các trường, viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong toàn quốc. 
Năm 2023, Hội thảo đã nhận về 70 bài tham luận của 146 tác giả đến từ 32 đơn vị trên cả nước. Bên cạnh các nghiên cứu mới về vấn đề nông nghiệp, thực phẩm và an ninh lương thực, một số bài tham luận tham gia Hội thảo còn đề cập các vấn đề như an toàn thực phẩm, tình hình an ninh lương thực trong và ngoài nước trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Chương trình hội thảo gồm 3 phần chính: 
Phần 1 - Phiên Hội thảo toàn thể: Tìm hiểu các vấn đề về dinh dưỡng, thực phẩm, lương thực tại Việt Nam và trên thế giới, định hướng phát triển lương thực bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số và lập kế hoạch hợp tác nghiên cứu về các chủ đề có liên quan. Thực trạng và vấn đề về sản xuất thực phẩm và xu hướng nhu cầu tiêu dùng, sử dụng thực phẩm hiện nay.
Phần 2 - Phiên trình bày poster: Các bài tham luận được Hội đồng khoa học lựa chọn sẽ trình bày poster về chủ đề thực phẩm, dinh dưỡng và lương thực.
Tác giả, nhóm tác giả báo cáo poster và trao đổi trước Ban Giám khảo tại các tiểu ban (Ảnh: huit.edu.vn)
Phần 3 - Phiên báo cáo chuyên đề: các bài tham luận có nội dung tốt sẽ được Hội đồng khoa học chọn báo cáo chuyên đề theo các tiểu ban với nội dung như: giải quyết các thách thức của Việt Nam và thế giới, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học, khống chế và kiểm soát các mầm bệnh từ lương thực thực phẩm, gia tăng các giá trị dinh dưỡng từ các sản phẩm nông nghiệp.
Kết quả, Ban tổ chức đã chấm sàng lọc và quyết định trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 6 giải Poster ấn tượng. Các bài báo chất lượng tham gia hội thảo sẽ được hỗ trợ phản biện và công bố trên Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Bước sang năm 2023, thế giới đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn về an ninh lương thực. Trong khi hầu hết các lĩnh vực đã phục hồi ở mức độ khác nhau sau đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, việc đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm vấn đề an ninh lương thực, góp phần giải quyết tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực là vô cùng cần thiết
Tuệ Lâm
lên đầu trang