Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 09:29

Thứ hai, 29/04/2024 | 09:29

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:31 ngày 07/09/2023

VIMUKI: Đổi mới, phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu

Là một đơn vị nghiên cứu - triển khai khoa học và công nghệ về khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim trong lĩnh vực công nghiệp mỏ, trực thuộc ngành Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) luôn xác định đổi mới, phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạt động của Viện.
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Ảnh: VIMLUKI)
Trải qua 55 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay VIMLUKI đã vươn lên trở thành đơn vị hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, dịch vụ KHCN trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ đã và đang được VIMLUKI triển khai như thế nào thưa ông?
TS. Đào Duy Anh:
Kể từ khi được thành lập năm 1967, Viện đã có 56 năm hoạt động nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ (KHCN) trong ngành công nghiệp mỏ, với hàng ngàn các đề tài, dự án KHCN, hàng trăm các công trình tư vấn, chuyển giao KHCN phục vụ quá trình phát triển ngành. Trình độ và đặc thù các sản phẩm KHCN của Viện ngày càng được nâng cao, phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp mỏ nói riêng, phát triển đất nước nói chung theo từng giai đoạn.
Trong bối cảnh nhân loại đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng, Chính phủ quyết tâm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, theo kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có “Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến 2030”…..
Trên cơ sở đó, hoạt động KHCN của Viện phục vụ hai mục tiêu chính: Thứ nhất là nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học, các công cụ quản lý ngành... làm tốt công tác tham mưu, dự báo, đề xuất chính sách... giúp các cấp lãnh đạo trong quản lý, phát triển ngành, lĩnh vực như xây dựng các Quy hoạch, Chiến lược, Định hướng, các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật cho ngành, lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, sản xuất. Và thứ hai là nghiên cứu, tiếp thu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để chuyển giao, cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành nhằm từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị, trình độ quản trị doanh nghiệp tiến tới xây dựng ngành công nghiệp mỏ Việt Nam hiện đại, hội nhập với thế giới.
Công tác nghiên cứu, phát triển KHCN của Viện vừa đi theo xu hướng KHCN của thế giới, vừa tuân thủ các định hướng, kế hoạch phát triển KHCN, phát triển ngành công nghiệp mỏ, ngành Công Thương của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, giải quyết các nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất, luôn song hành cùng các doanh nghiệp trong mục tiêu đổi mới công nghệ, thiết bị, quản trị... để xây dụng ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam hiện đại, hoạt động hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, trong 10 năm qua, hầu hết các dự án triển khai về khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim lớn của đất nước đều có sự tham gia của Viện.
Các chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim khảo sát thực địa. (Ảnh: congthuong.vn)
Được biết, VIMLUKI đã triển khai nhiều dự án mang dấu ấn sâu đậm về ứng dụng, triển khai khoa học và công nghệ của mình trên khắp mọi miền đất nước. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những công trình, dự án này?
TS. Đào Duy Anh:
Ý thức được hoạt động KHCN chỉ thực sự có ý nghĩa khi các kết quả nghiên cứu KHCN được cụ thể hóa bằng các sản phẩm phục vụ quá trình phát triển ngành, đất nước, do đó, Viện luôn đặc biệt chú trọng công tác chuyển giao, phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản lớn, xin điểm qua một số công trình đã được Viện thực hiện và đưa vào hoạt động trong những năm gần đây như: Điều chỉnh TKCS dự án khai thác mỏ, tuyển quặng bôxít Lâm Đồng, tiền đề để hình thành hai nhà máy tuyển quặng bôxít và sản xuất alumin hiện nay; Thiết kế nhà máy tuyển quặng sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh công suất 10 triệu tấn/năm; Thiết kế thi công nhà máy tuyển quặng sắt Quý Xa - Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm đi vào hoạt động ổn định từ 2014; Thiết kế, lập dự toán, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà máy tuyển nổi quặng đồng số 2 công suất 1,4 triệu tấn/năm mỏ Sin Quyền, Lào Cai, hoạt động đạt 100% công suất từ 2019; Lập Dự án ĐTXD, thiết kế thi công Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 35.000 tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận, đưa vào sản xuất từ 2019; Lập Dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, và báo cáo đánh giá an toàn bức xạ nhà máy sản xuất pigment công suất 80.000 tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận; Thiết kế, chế tạo thiết bị, lắp đặt, chuyển giao xưởng tuyển nổi quặng apatit công suất 120kg/h cho công ty apatit VN; Lập báo cáo tiền khả thi, Lập báo cáo khả thi Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Bình Định công suất 5,4 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2017-2023, toàn Viện đã thực hiện gần 460 công trình dịch vụ KHCN phục vụ các doanh nghiệp trong ngành.
Sau khi Quy hoạch các loại khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Viện sẽ tiếp tục triển khai một số dự án lớn về khai thác, chế biến quặng apatit, quặng đất hiếm, titan… 
Để nâng cao trình độ nghiên cứu, hội nhập về khoa học và công nghệ với khu vực và thế giới, Viện có giải pháp gì thưa ông?
TS. Đào Duy Anh:
Theo Chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn đến 2045, VIMLUKI phải vươn lên từng bước hội nhập về trình độ KHCN với khu vực và thế giới, để đạt được mục tiêu đó, cần phải từng bước và liên tục thực hiện một số nhiệm vụ cốt lõi sau:
Thứ nhất là, bám sát định hướng phát triển KHCN, phát triển ngành công nghiệp Mỏ, ngành Công Thương của Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương, nắm bắt xu hướng phát triển KHCN của thế giới để xây dựng hướng nghiên cứu, mục tiêu phù hợp cho các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai của Viện trong những năm tới.
Thứ hai là, tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để phát triển cả về số lượng và chất lượng, đồng thời giữ chân, duy trì đội ngũ cán bộ KHCN và quản lý giỏi. Xây dựng môi trường làm việc theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch, công bằng, cơ hộị cho tất cả mọi người.
Thứ ba là, không ngừng hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác nghiên cứu triển khai, dịch vụ KHCN và sản xuất kinh doanh để có được các sản phẩm KHCN và hàng hóa tốt.
Thứ tư là, duy trì và hoàn thiện mô hình nghiên cứu kết hợp thử nghiệm sản xuất nhỏ ngay trong Viện vừa để kiểm định kết quả nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời những bất cập đảm bảo sự thành công khi phát triển công nghệ ở quy mô công nghiệp, vừa góp phần tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho CBVC-NLĐ và từng bước tiến tới mô hình tự chủ hoàn toàn.
Thứ năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm học hỏi, tận dụng tối đa thành tựu KHCN của nhân loại, tiếp thu và thích ứng nhanh với các thành tựu của cuộc cách mạng CN lần thứ 4. Phát triển các công nghệ xanh, thúc đẩy ngành công nghiệp mỏ phát triển theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ sáu là, gìn giữ sự đoàn kết và thống nhất trong Viện, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả, luôn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực sự phát huy quyền dân chủ của CBVC, phân chia thành quả lao động một cách công bằng và minh bạch.
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI (trái) và ông Tổng Công ty Tài nguyên và Cải tạo Mỏ Hàn Quốc (KOMIR) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên trong khai thác bền vững khoáng sản quan trọng, tái chế và phục hồi môi trường mỏ.
Ngày 28 tháng 2 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, trong đó xác định các nhiệm vụ đề ra cho các ngành, lĩnh vực thuộc quản lý của ngành Công Thương. Để triển khai nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, VIMLUKI sẽ tập trung, ưu tiên những giải pháp nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ như thế nào?
TS. Đào Duy Anh: 
Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương của Thủ tướng Chính phủ, đã nêu rõ nhiệm vụ cho ngành khai thác, chế biến khoáng sản như sau: “…phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đồng bộ, hiện đại phù hợp với tiềm năng khoáng sản có quy mô lớn, gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và làm chủ chuỗi cung ứng từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ, phân phối, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành…”
Thực hiện nhiệm vụ trên, VIMLUKI tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai KHCN tập trung vào các công nghệ và giải pháp chính. Một là nghiên cứu các công nghệ, giải pháp tổng hợp nhằm khai thác tối đa tài nguyên khoáng sản chính và đi kèm có trong mỏ; nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi tối đa khoáng sản khai thác từ mỏ; nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản nhằm thu được tối đa giá trị gia tăng; nghiên cứu sử dụng đất đá thải sinh ra trong quá trình khai thác và quặng đuôi, chất thải sinh ra trong quá trình tuyển làm giàu và chế biến sâu khoáng sản.
Hai là nghiên cứu phát triển các công nghệ theo hướng giảm tiêu hao năng lượng, nguyên, nhiên liệu, nâng cao hiệu quả quá trình khai thác, tuyển làm giàu và chế biến sâu khoáng sản; nghiên cứu khả năng tái chế, tái sử dụng các nguyên liệu phế thải có nguồn gốc khoáng sản, phát triển mô hình nền kinh tế tuần hoàn.
Ba là tập trung nghiên cứu các đối tượng khoáng sản có trữ lượng lớn của Việt Nam như bôxít, titan, apatit, đất hiếm… theo hướng khai thác, chế biến đồng bộ và sản phẩm đưa ra là sản phẩm chế biến sâu, làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Xin cảm ơn ông!
Trong giai đoạn 2017-2021, VIMLUKI đã thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và cấp bộ, ngành với tổng giá trị thực hiện đạt trên 54 tỷ đồng. Các nhiệm vụ đều hoàn thành đúng tiến độ, được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, nhiều công trình đã được chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang