Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:33

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:33

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:41 ngày 24/10/2023

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm tại Quảng Bình

Một trong những giải pháp để gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Quảng Bình là công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành tại địa phương triển khai thực hiện tốt các công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, Sở đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch, văn bản để chỉ đạo, triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. 
Đồng thời, tích cực triển khai công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin  thông qua việc duy trì hoạt động ổn định của Trang thông tin điện tử của cơ quan (http://sct.quangbinh.gov.vn). Xây dựng và đưa vào vận hành các phần mềm dùng chung như: Phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm (http://truyxuatsp.quangbinhtrade.vn); Hệ cơ sở dữ liệu công nghiêp, thương mại tỉnh Quảng Bình (http://csdl.quangbinhtrade.vn); Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình (http:// quangbinhtrade.vn)… bước đầu đã hỗ trợ tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành cũng như phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân.
Giao diện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quảng Bình (Ảnh chụp màn hình)
Sở Công Thương Quảng Bình đã xây dựng chuyên mục “An toàn vệ sinh thực phẩm” trên trang thông tin điện tử của Sở và thường xuyên cập nhật các thông tin các tổ chức tự công bố sản phẩm an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại theo đúng quy định.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở luôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân. Cũng như phối hợp với Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại, Bộ Công Thương tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực Công Thương tại huyện Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới; 01 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý bán hàng tại chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 120 học viên.
Giảng viên Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại tại buổi tập huấn (Ảnh: Sở Công Thương Quảng Bình)
Nỗ lực giám sát, hậu kiểm
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về an toàn thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan và Cục QLTT tỉnh Quảng Bình thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp,… để đánh giá tình hình cung cầu hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhất là nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; đảm bảo dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão.
Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn thực phẩm của Sở Y tế, thành lập Đoàn kiểm tra ATTP của sở kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương trong các dịp lễ, tết trung thu, tết nguyên đán và mùa du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.   
Thực hiện Kế hoạch số 257/KH-SCT ngày 21/02/2023 của Sở Công Thương về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023; Quyết định số 579/QĐ-SCT ngày 05/5/2023 của Sở Công Thương về việc hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023. Từ ngày 10/5/2023 đến ngày 26/5/2023, Đoàn hậu kiểm theo Quyết định số 579/QĐ-SCT ngày 05/5/2023 của Sở Công Thương đã tiến hành hậu kiểm tại 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, 25/30 đơn vị đều có đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm/Bản tự cam kết; sản phẩm sản xuất đã tự công bố; các sản phẩm kinh doanh đủ hồ sơ giấy tờ liên quan đến chất lượng, an toàn sản phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP. 
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chợ trung tâm thị xã Ba Đồn (Ảnh: TTXVN)
Mặc dù công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Quảng Bình đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như lực lượng cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng và yếu; Việc triển khai công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về ATTP chủ yếu mới được thực hiện ở tuyến tỉnh, các tuyến huyện, xã triển khai còn hạn chế, chưa đa dạng, chủ yếu phát thông điệp ATTP trên hệ thống phát thanh huyện/thành phố/thị xã, lồng ghép vào hoạt động kiểm tra,...
Do đó, để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được và giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương tăng cường tổ chức tập huấn công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cán bộ cấp Sở và kiến thức thực hành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục ban hành và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Công Thương để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ATTP thực hiện tự công bố sản phẩm.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 141 chợ với nguồn hàng được cung ứng chủ yếu từ các tỉnh lân cận, các hộ nông dân trong tỉnh, từ các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh được các cơ sở giết mổ tập trung và không tập trung cung ứng tại chợ. Việc chấp hành các chính sách pháp luật nhà nước quy định trong kinh doanh nói chung và về ATTP nói riêng đã được các hộ kinh doanh tại các chợ thực hiện khá nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp các trường hợp vi phạm lớn, chưa có dịch bệnh phát sinh có nguồn gốc từ hàng thực phẩm kinh doanh tại các chợ. 
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Các siêu thị, trung tâm thương mại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Vấn đề an toàn thực phẩm được cụ thể hóa trong nội dung Nội quy hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại và được Sở Công Thương phê duyệt.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng bán thực phẩm nông sản sạch đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các cửa hàng, điểm hàng Việt là những kênh phân phối hiệu quả về thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu  thị hiếu của người tiêu dùng.
Tố Uyên
lên đầu trang